Vụ đông xuân đối mặt với sâu bệnh, thiếu nước
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực Đông Nam châu Á sẽ bị tác động bởi hiện tượng El nino, nền nhiệt bình quân của mùa vụ đông xuân sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 1 - 1,5 độ C. Do vậy, nhiều khả năng sâu bệnh sẽ bùng phát mạnh và nguy cơ thiếu nước xảy ra ở nhiều địa phương.
Nông
dân huyện Đan Phượng (Hà Nội) cấy lúa xuân, theo dõi thường xuyên tình
hình sâu bệnh gây hại trên cây mạ để có biện pháp phòng trừ. Ảnh: Huy
Hùng - TTXVN
|
Dịch bệnh tăng mạnh khi lúa làm đòng
Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, hiện tượng El nino sẽ làm thời tiết của vụ xuân 2015 ở miền Bắc ấm hơn mọi năm. Trong tháng 3 sẽ có ba đợt không khí lạnh tăng cường nhưng không kéo dài, không khí lạnh yếu, nhiệt độ cao hơn trung bình mọi năm. Tháng 4 - 5 sẽ có mưa rào.
Thời tiếp ấm sẽ tạo cơ hội tốt cho côn trùng đẩy nhanh vòng đời, nguồn thức ăn sẵn hơn, ký chủ tốt hơn, và vì vậy vụ xuân ấm cũng sẽ đối mặt với áp lực sâu bệnh nhiều hơn, đặc biệt từ thời gian lúa làm đòng.
Bà Đặng Thị Phương, ở xóm Tây Quang Trung, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Nhà tôi có 3 sào ruộng, trong đó 2 sào ruộng trũng cấy giống lúa lai Ấn Độ. Năm nay, cấy xong sớm, lúa phát triển khá tốt, nhưng ốc bươu vàng lại gây hại khá nhiều”.
“Trước Tết, tôi đã tỉa mạ, cấy, dặm lại những cây lúa bị hỏng, nhân tiện bón thêm phân thúc cho lúa phát triển, nhưng qua Tết ruộng cứ thưa dần, mỗi khóm lúc trước cấy 3 - 4 nhánh thì sau còn 1 nhánh, có khóm không còn nhánh nào, lúc đưa tay kiểm tra thấy có 3 - 4 con ốc bươu vàng bám quanh. Tôi tiếp tục tỉa mạ để dặm lại và phun thuốc trị ốc bươu vàng. Đến nay, ốc bươu vàng đã giảm hẳn nhưng do bà con không phun trừ ốc đồng loạt nên vẫn chưa hết”, bà Phương phản ánh.
Bà Hà Thị Thuyết, xóm Tây Vinh, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết: “Vụ đông xuân năm nay, lúc mới xuống giống thời tiết khá lạnh, nên lúa phát không được thuận lợi, lại bị ốc bươu vàng tàn phá. Chúng tôi đã tranh thủ làm cỏ bờ và dặm lại vài đám lúa bị ốc bươu vàng phá”.
Ở nhiều địa phương khác ốc bươu vàng cũng đang hoành hành, ông Trần Thục Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Thọ cho biết: “Ốc bươu vàng, bọ xít… đang phát triển mạnh ở nhiều nơi, chúng tôi sẽ chỉ đạo sát sao để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch”.
Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), thời tiết ấm thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ rất cao. Do vậy, cần điều tra, phát hiện kịp thời, khoanh vùng để tiêu diệt sớm, không để lây lan, phát sinh thành dịch.
Về vấn đề ốc bươu vàng, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Ngô Tiến Dũng cho biết: “Ốc bươu vàng chỉ gây hại ở giai đoạn đẻ nhánh, mới gieo xạ. Biện pháp cơ bản nhất chống ốc bươu vàng là thu gom trước khi vào mùa vụ. Khi gieo cấy, để khắc phục tình trạng này phải cấy theo hàng, luống, có rãnh. Khi gieo cấy xong, rút nước xuống rãnh. Ốc bươu vàng không sống trên cạn, sẽ rút xuống rãnh, không còn ảnh hưởng tới lúa”.
Về nguy cơ dịch bệnh, ông Dũng cho rằng, thời tiết ấm nên sâu bệnh sẽ phát sinh phức tạp, đặc biệt từ giai đoạn lúa làm đòng trở đi. Do vậy, không bón phân đạm kéo dài trong thời gian này, vì giai đoạn này lúa rất mẫn cảm với dịch hại như: đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, chuột… Hạn chế sử dụng thuốc giai đoạn đầu vụ để bảo vệ con thiên địch, các loại này sẽ ăn rầy nâu vào cuối vụ. Đồng thời, khi có dịch phải khoan vùng dập dịch, tùy vào loại bệnh mà có phương án cụ thể. Ví dụ vùng sâu bệnh thì không nên bón thêm đạm, vì như vậy cây lúa phát triển mạnh lên, sâu bệnh cũng bùng phát theo.
Nhiều địa phương thiếu nước
Thời tiết ấm sẽ kéo theo hiệu ứng khô hạn, thiếu nước vụ xuân, nhất là với vùng Nam Trung Bộ, vùng núi Bắc Trung Bộ, trung du và miền núi phía Bắc, những nơi chưa có hệ thống thủy lợi tốt sẽ gặp khó đối với việc cung cấp nước cho gieo cấy.
Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Thọ cho biết, mực nước sông Lô, sông Hồng ở mức thấp, nhiều nơi đã huy động thêm các trạm bơm dã chiến, nối thêm ống để hút nước, nhưng vẫn không đủ để đảm bảo cho lúa phát triển, sinh trưởng tốt.
Đồng quan điểm này, theo ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, nước vẫn là yếu tố hàng đầu để cây lúa phát triển, 34 trạm bơm dã chiến được thiết lập, hoạt động liên tục nhưng vẫn thiếu nước. Hiện các ruộng phải tưới luân phiên. Do vậy, các đơn vị cần cập nhật tình hình thời tiết, tăng thêm một đợt xả lũ để cho lúa phát triển. Vì cần có nước để tưới dưỡng lúa sau khi cấy, đảm bảo cây sinh trưởng tốt.
Trước vấn đề này, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Chúng tôi sẽ dựa trên yêu cầu của địa phương, phối hợp với Tổng cục Thủy lợi và các đơn vị trong Bộ để giải quyết vấn đề này. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ, Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực (EVN) xả thêm một đợt lũ, phục vụ cho nông dân”.
Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, trước tình hình thời tiết bất thuận là nắng nóng và có khả năng kèm theo khô hạn cục bộ, các đơn vị liên quan cần triển khai ngay các giải pháp đồng bộ để giảm thiệt hại ở mức thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết.
“Cục Trồng trọt cần sớm tổng hợp những ý kiến của các chuyên gia, các địa phương để có văn bản chỉ đạo cụ thể, đồng thời cử các đoàn trực tiếp đi các địa phương để theo dõi, nắm sát tình hình, từ đó có phương án điều chỉnh. Cục Bảo vệ thực vật tập trung cao độ các giải pháp phòng chống dịch bệnh; đối với Tổng cục Thủy lợi, cần theo dõi sát tình hình, nếu cần thiết phải đề nghị EVN tiếp tục xả một đợt nước nữa để có đủ nước tưới dưỡng cho lúa”, ông Doanh chỉ đạo.
(Nguồn: taydo)