Chuyển đến nội dung chính

Nông nghiệp khát nước

Nông nghiệp khát nước


Nông nghiệp Việt Nam đang khát nước, và các khu vực rộng lớn từ miền Trung cho đến Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long đang gánh chịu khô hạn bất thường, đe dọa sản xuất nông nghiệp năm nay. Những cơn mưa lớn trong hai ngày 25 và 26-3 ở khu vực miền Trung có lẽ mới chỉ làm dịu đi cái oi bức những ngày này. 
Nong-nghiep-khat-nuoc-1.jpg

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định: tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước trong năm 2015 này diễn biến phức tạp hơn so với năm 2014. Trong đó, tình hình khô hạn, thiếu nước ở các tỉnh Nam Trung Bộ đến khoảng tháng 9-2015 mới dần được cải thiện. Lượng mưa ở các tỉnh ven biển trung bộ từ tháng 4 đến tháng 9-2015 được dự báo cũng rất thấp.
 
Miền Trung khô hạn đến sớm
Cơ quan khí tượng trung ương dự báo trong giai đoạn từ cuối tháng 3 đến tháng 8-2015, dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm mạnh. Các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30% đến 80%, các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận thấp hơn từ 60% đến 80%, riêng các sông ở Khánh Hòa và Ninh Thuận thấp hơn 80% – 90%, và sông Cái tại Nha Trang hụt đến 90% so với trung bình nhiều năm và xấp xỉ mức thấp nhất trong lịch sử.
Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, tình hình khô hạn gay gắt trong mùa khô năm nay diễn ra tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk. Đáng báo động là khô hạn đã làm các hồ chứa tại Khánh Hòa, Ninh Thuận giảm xuống mức rất thấp, chỉ còn khoảng 10 – 15% so với dung tích thiết kế.
Riêng tại Bình Thuận, khô hạn đã kéo lượng nước tại hồ Đá Bạc (huyện Tuy Phong) xuống còn 600.000 m3, chỉ bằng khoảng 7% so với dung tích thiết kế 8,4 triệu m3 của công trình hồ chứa này và đây là mức nước thấp nhất của hồ này trong nhiều năm trở lại đây.
Trao đổi với TBKTSG Online hôm 26-3, ông Huỳnh Hồng Bình, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận cho biết tình trạng khô hạn nghiêm trọng kéo dài mấy tháng trời qua khiến hàng trăm héc ta lúa, ngô, khoai mì của người dân ba xã Tân Thắng, Sơn Mỹ và Thắng Hải bị khô héo, thiệt hại nặng nề. Tổng thiệt hại do hạn hán, thiếu nước tưới của toàn huyện Hàm Tân trong mùa vụ năm nay lên đến 5 tỉ đồng.
Từ đầu tháng ba đến nay, nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định đã rơi vào tình trạng thiếu nước tưới và nước sinh hoạt nghiêm trọng, đặc biệt là tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Vân Canh... Có khoảng 3.000 hộ dân ở xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) đang rơi vào tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng.
Theo Chi cục Thủy lợi - Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Bình Định, nguồn nước tại nhiều hồ chứa đang giảm nhanh, trung bình một tuần lượng nước tại các hồ nhỏ giảm từ 3-5% so với dung tích thiết kế. Dự kiến sẽ có 30 hồ chứa tại Phù Mỹ, Tây Sơn, Phù Cát, Vĩnh Thạnh, Vân Canh… bị cạn nước trong vụ sản xuất hè thu này.
“Vụ hè thu năm nay, tỉnh Bình Định sẽ chuyển hơn 2.000 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, đậu phụng, mè và rau đậu các loại nhằm hạn chế những tác động bất lợi từ thời tiết,” ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết.
Các địa phương trên địa bàn của tỉnh Quảng Nam ngoài việc thiếu nước tưới, nước sinh hoạt, còn đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn gia tăng. Tại huyện Điện Bàn (Quảng Nam), đoàn kiểm tra của Sở NN & PTNT tỉnh Quảng Nam đã kiểm tra độ mặn tại trạm đo Tứ Câu (Điện Ngọc, Điện Bàn) trên sông Thu Bồn và ghi nhận mức từ 3- 3,5 ‰, trong khi nồng độ cho phép là dưới 0,8‰.
Trong tình hình nắng hạn nghiêm trọng ở khu vực miền Trung, các cơn mưa trong mấy ngày đầu tuần đã giúp giải toả một phần cho cơn khát của ngành nông nghiệp. Cụ thể, từ ngày 24 đến sáng ngày 26-3-2015, khu vực tỉnh Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến ở đồng bằng, trung du từ 80-100mm ở miền núi từ 200-250mm.
 
Xâm nhập mặn ĐBSCL
Tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân nơi đây.
Dự báo mới nhất của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho thấy ở một số địa phương, nước mặn đã lấn sâu vào đất liền đến 75 km, tính từ cửa sông với độ mặn ghi nhận được khá cao.
Cụ thể, trên sông Vàm Cỏ Đông tại Long An, nước mặn đã lấn sâu vào đất liền đến 75 km, độ mặn cao nhất ghi nhận được tại trạm Bến Lức là 3,4 gam/lít; trên sông Hậu thuộc địa phận Sóc Trăng, độ mặn lấn sâu vào đất liền từ 10-30 km, tính từ cửa sông với độ mặn ghi nhận được nằm trong khoảng 3,6 gam/lít (tại trạm Đại Ngãi) đến 13,4 gam/lít (tại tạm Trần Đề).
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, độ mặn vùng cửa sông Nam bộ sẽ tiếp tục xu hướng tăng với chỉ số ghi nhận được dự báo sẽ cao hơn so với cùng kỳ năm 2014 và trung bình nhiều năm qua.
Xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền dẫn đến nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là ở những khu khu vực ven biển.
Thông tin tổng hợp sơ bộ từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, cho biết nắng nóng những ngày qua đã làm mực nước trên các kênh rạch nội đồng ở các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo… sụt giảm nhanh. Trong khi đó, dự báo nước mặn tiếp tục lấn sâu vào đất liền nên địa phương đã cho đóng các cửa sông, không cho nước mặn tiếp tục lấn sâu, nhưng điều này khiến hơn 30.000 héc ta lúa và hàng ngàn héc ta hoa màu có nguy cơ bị thiếu nước tưới, chất lượng và năng suất sẽ giảm.
Để đối phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, ông Trần Quang Củi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, cho biết địa phương đang khuyến cáo nông dân chuyển khoảng 65.000 héc ta đất ở các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng sang nuôi tôm nhằm đảm bảo tránh thiếu nước tưới nếu trồng lúa và hoa màu.
Trong khi đó, ở các huyện Tịnh Biên và Tri Tôn của An Giang, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã xuất hiện. Một số hồ nước ngọt phục vụ nước sinh hoạt của người dân như hồ Rô, hồ Cây Đuốt…, mực nước đã giảm xuống gần cạn đáy, người dân phải sang những khu vực lân cận mua và chở nước về sử dụng.
(Nguồn: Taydo)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cách trồng và chăm sóc cây lá lốt trong chậu

Cách trồng và chăm sóc cây lá lốt trong chậu Xuất hiện trong nhiều món ăn quen thuộc và có nhiều tác dụng khác nhau nên lá lốt được trồng ở khắp nơi. Người dân chỉ cần chú ý theo một số kỹ thuật trồng cây dưới đây là có thể tự cung cấp rau cho gia đình. Cây lá lốt có tên khoa học là Piper lolot, thuộc họ  hồ tiêu  (Piperaceae) và có  kỹ thuật trồng cây  rất đơn giản. Lá lốt là loại rau quen thuộc và được dùng phổ biến trong các bữa ăn. Lá lốt thường được sử dụng ăn sống như các loại rau thơm hoặc làm rau gia vị khi nấu canh. Ngoài là rau ăn lá, lá lốt còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh, khi dùng có thể dùng tươi, phơi hay sấy khô. Lá lốt có kỹ thuật trồng cây không quá khó Đây là loài cây thảo sống nhiều năm, thân có rãnh dọc. Lá đơn nguyên, mọc so le, hình tim, có màu xanh đậm, mặt lá bóng. Hoa mọc từ nách lá, cụm hoa bông, hoa đực và hoa cái khác gốc. Quả mọng chứa một hạt. Cây thường mọc hoang trong rừng, nơi ẩm ướt dọc các bãi cát ven suối và phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc

Những cây trồng mang lợi nhuận tỷ đô tại Việt Nam

Những cây trồng mang lợi nhuận tỷ đô tại Việt Nam Thị trường giống cây trồng Việt Nam có nhiều biến động mạnh trong suốt nhiều năm qua, đặc biệt là giống cây trồng các loại hạt được liệt vào danh sách siêu thực phẩm, cho giá trị kinh tế hàng tỷ USD. Cao lương Cây cao lương hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao lên tới hàng tỷ USD Cây cao lương vốn không còn là loại cây xa lạ với người Việt Nam, từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước người dân đã tròng nhiều và dung làm lương thực thay thế gạo lúc đói kém.   Sau hàng chục năm không mang lại hiệu quả gì về kinh tế thì Tập đoàn Sol Holding (Nhật Bản) đã mang giống cao lương trở lại Việt Nam với nhiều hứa hẹn hấp dẫn về giá trị kinh tế. Theo ý kiến từ công ty này, đây là giống cây siêu cao lương được các nhà khoa học Nhật Bản lai tạo đưa lại năng suất cao và đáp ứng nhiều mục đích khác nhau. Ngoài mục đích làm thức ăn chăn nuôi, chúng còn được sử dụng để chế biến viên nén sinh

Chăn nuôi nông hộ giúp gì cho nông dân?

Chăn nuôi nông hộ giúp gì cho nông dân? Nhiều hộ dân xã An Dương (Tân Yên, Bắc Giang) đầu tư phát triển chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. LTS - Tiếp tục cuộc thi viết về: "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn" do Báo Nhân Dânphối hợp Hội Nông dân Việt Nam và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) tổ chức, bắt đầu từ hôm nay (17-4), chúng tôi sẽ lần lượt đăng các bài gửi tham dự cuộc thi năm 2014 với chủ đề: "Tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới". Rất mong nhận được sự cộng tác của các cộng tác viên và bạn đọc. Đối với sản xuất nông nghiệp nông hộ, có thể coi ngành chăn nuôi như là "nhà máy chế biến" các sản phẩm phụ trồng trọt mà con người không ăn được (rơm cỏ, thân, lá, rễ, hạt) hoặc sản phẩm phụ có dinh dưỡng thấp (cám, bã...) để tạo ra những sản phẩm cao cấp, đó là thịt, trứng, sữa... Chính sự liên kết giữa trồng trọt và chăn nuôi đã tạo nên sức mạnh