Cây thanh long trên chảo lửa
Nhiều người dân xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) tâm sự rằng, nếu thời tiết nắng nóng tiếp tục, đất đai vốn dĩ đã xấu lại không có nước tưới thì nguy cơ cây thanh long chết rất caoÍt ai biết, một khu vực đất rừng nghèo kiệt, khô cằn với DT 1.200 ha ở xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) 15 năm trước được qui hoạch trồng mía nhưng sau đó phá sản. Gần đây, một số hộ dân phát triển "nóng" cây thanh long, trong khi nguồn nước cấp tại chỗ là con số không!
Đây là khu vực đất rừng chồi nghèo kiệt được Chi cục Di dân Phát triển vùng kinh tế mới tỉnh Bình Thuận trước đây khai hoang, sau đó giao cho các hộ dân thuộc 3 xã Hàm Chính, Hàm Liêm, Hàm Thắng định cư SX với định mức 3 ha/hộ để trồng mía theo qui hoạch.
Tuy nhiên do địa hình khu vực dự án nằm phía trên kênh Sông Quao không thể dẫn nước nên đất đai khô cằn bỏ hoang hóa nhiều năm.
Do trồng thanh long mang lại lợi nhuận khá nên gần đây có một số hộ dân vay ngân hàng đầu tư lắp đặt đường ống ngầm dài trên 2 km lấy nước từ kênh Sông Quao dẫn xuống tưới để trồng thanh long.
Nắng hạn, hồ Sông Quao kiệt nước dần, mực nước ngầm không có khiến nhiều hộ dân chới với, lo lắng cây thanh long thiếu nước.
Tại thôn 2, chúng tôi thấy hơn 10 người dân đang hì hục bơm nước từ kênh chính dẫn vào ao để tưới thanh long. Lão nông Phạm Mạnh Cường cho biết, nhà ông trồng hơn 1.000 trụ trái vụ từ năm 2013, gần như năm nào cũng thiếu nước, nhưng năm nay thiếu nước trầm trọng, 10 ngày qua chưa tưới được do đường nước tải đi quá xa
“Trồng thanh long trái vụ lợi nhuận cao nên nông dân phải xử lý chong đèn mà không có nước tưới thì coi như bỏ không. Hiện đang vào vụ 3, đa số thanh long thu hoạch nên đang rất cần nước ” - ông Cường lo lắng. Nhiều người dân thôn 2 tâm sự rằng, nếu thời tiết nắng nóng tiếp tục, đất đai vốn dĩ đã xấu lại không có nước tưới thì nguy cơ cây thanh long chết rất cao.
Trong đó nhiều trường hợp chạy theo trồng mới mà không đủ điều kiện đặt đường ống, chỉ trông dựa vào nước trời thì đang lo ngay ngáy bởi không biết cây thanh long "con" (mới đâm chồi) sẽ chết vào lúc nào, trước mắt nhìn cảnh tượng cây thanh long con đang úa màu mà xót ruột.
Với điều kiện nguồn nước tưới khắc nghiệt như vậy, nông dân ở đây đã nghĩ ra nhiều cách để tích nước mà việc đào ao đang là một giải pháp tối ưu.
Theo ông Nguyễn Đắc Thọ, thôn 5, việc đào ao lớn thì số lượng nước tích trữ sẽ nhiều hơn, đảm bảo đủ nước tưới để cây thanh long phát triển tốt nhưng chi phí quá cao từ 100 triệu đồng trở lên, người nông dân nói chung không đủ khả năng. Vẫn theo ông Thọ, đào ao phải lấy sâu lớp đất mặt trên 2 mét, nếu DT 1.000m2 tức phải lấy đi 2.000m3 đất. Chi phí đào khoảng 100 triệu, không phải ai cũng có tiền để đầu tư
Năm nay trời hạn sớm, nguồn nước tích trữ trong ao thiếu hụt nên những hộ trồng thanh long đối phó bằng cách khoanh vùng, chia nhỏ diện tích để tưới. “Cây thanh long không yêu cầu ngày nào cũng phải tưới nước. Vì vậy những hộ không có điều kiện đào ao lớn thì họ chia nhỏ diện tích ra để tưới.
Chẳng hạn hộ có 400 trụ thì hôm nay tưới cho 200 trụ, ngày mai tưới tiếp 200 trụ. Như vậy, vừa đảm bảo thanh long có đủ độ ẩm để phát triển, vừa tiết kiệm nước vừa đối phó với những ngày tháng khô hạn” - ông Thọ nói.
Điều đáng nói là, hộ bà Lê Thị Nở, thôn 2, trồng 1.200 trụ thanh long không chỉ thiếu nước mà còn thiếu cả nguồn điện. Bà Nở tính toán, nếu đủ điện nước thì 1.200 trụ thanh long nhà bà năm nay sẽ cho năng suất 20 tấn/lứa (thu hoạch 3 lứa/năm), nhưng hiện giờ đang thu hoạch lai rai, năng suất thấp, khả năng chỉ đạt vài tấn/lứa. "Trước đây, nhà nước có quan tâm đầu tư kênh tưới từ thôn Ku Kê, xã Thuận Minh đưa nước về để tưới tiêu, nhưng không hiểu sao đến nay vẫn còn dở dang. Chúng tôi rất mong muốn có con kênh về phục vụ cho vùng đất 1.200 ha để nông dân canh tác có thu nhập ổn định, trong đó có việc trồng thanh long đảm bảo năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập”, bà Nở bày tỏ
(Nguồn: taydo)