Thị phần máy cơ giới nông nghiệp Việt vẫn khiêm tốn
Phong
trào đưa máy móc cơ giới vào sản xuất nông nghiệp đang diễn ra nhanh và
rộng khắp ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, cũng như
nhiều tỉnh đồng bằng sông Hồng, các loại máy mang thương hiệu Việt được
sử dụng tại Bắc Ninh vẫn còn khá khiêm tốn và phải canh tranh mạnh mẽ
với các máy cơ giới ngoại.
Theo báo
cáo, toàn tỉnh hiện có 4.950 chiếc máy kéo phục vụ khâu làm đất, 900
chiếc công cụ gieo rải hàng và 3 máy cấy, 7.081 máy tuốt lúa có động cơ
và máy tuốt lúa liên hoàn; 5 chiếc máy gặt đập liên hợp, 3.832 chiếc máy
xay xát gạo phục vụ trong nông thôn... Máy cơ giới được áp dụng cho hầu
hết các khâu trồng trọt từ sản phẩm đơn giản như máy cắt cỏ có giá vài
triệu đồng đến các loại máy cày, máy gặt đập liên hợp trị giá vài trăm
triệu đồng.
Tuy
nhiên, theo ông Trần Xuân Dẫn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến
ngư tỉnh, các loại máy nông nghiệp của Việt Nam sản xuất chỉ mang tính
chất bán cơ giới hoặc áp dụng cho một số khâu đơn giản. Riêng các loại
máy công suất lớn như máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, tỷ lệ sản phẩm
mang thương hiệu Việt chỉ chiếm chưa đến 20%.
Đại
lý phân phối máy nông nghiệp Kubota tại Bắc Ninh với chính sách bán
hàng chuyên nghiệp ngày càng được nhiều nông dân tìm đến.
Ông Trịnh Văn Lực, Chủ nhiệm HTX thôn Tuyên Bá, xã Quảng Phú (Lương Tài)-một trong những địa phương có số máy gặt đập liên hợp nhiều nhất huyện cho biết: “Chúng tôi chấp nhận chi phí cao để hạn chế rủi ro trong khi làm dịch vụ, vì vào đợt cao điểm, chỉ một lần hỏng hóc có thể ảnh hưởng đến cả thời vụ thu hoạch. Nhiều hộ dân trong HTX đã mạnh dạn đầu tư máy gặt đập của hãng Kubota của Nhật Bản với ưu điểm là tỷ lệ thất thoát thấp, di chuyển nhanh trong điều kiện ruộng sình lầy, phù hợp với đồng đất địa phương”.
Chưa kể, trong khi các sản phẩm máy nông nghiệp do doanh nghiệp tư nhân ở đồng bằng sông Cửu Long có mức độ phổ biến thấp, nhiều nông dân phải vào tận miền Nam để mua thì các hãng của Nhật Bản hay Trung Quốc đều đã xây dựng kênh phân phối ở nhiều tỉnh thành để tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng.
Đại diện công ty CP Sản xuất và thương mại Việt Thành (Võ Cường, TP.Bắc Ninh), đại lý của hãng Kubota tại Bắc Ninh cho biết, bên cạnh việc không ngừng cải tiến, đa dạng sản phẩm, hãng còn đưa ra chế độ bảo hành cho từng dòng máy. Cán bộ kỹ thuật của hãng thường xuyên hướng dẫn cho các chủ máy xử lý sự cố kịp thời, qua đó, tạo sự an tâm cho cả chủ máy và người thuê dịch vụ. Chính vì vậy, những năm qua, mặc dù chưa nhận được sự hỗ trợ đáng kể nào, nhưng nông dân vẫn sẵn sàng bỏ ra vài trăm triệu đồng cho một sản phẩm cơ giới nhập khẩu. Thực tế, một số loại máy móc mới do doanh nghiệp Việt sản xuất không cạnh tranh nổi với các sản phẩm đã qua sử dụng xuất xứ từ Nhật Bản.
Mới đây, gói vay hỗ trợ lãi suất để mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã bỏ quy định chỉ được mua sản phẩm nội địa (có hơn 60% giá trị được sản xuất trong nước) được xem là cơ hội tốt cho nông dân đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Tuy nhiên, với việc không còn cơ chế hỗ trợ này, máy nông nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với hàng ngoại. Vì vậy, để người dân không “quay lưng” với sản phẩm cơ giới Việt, các doanh nghiệp trong nước cần không ngừng đầu tư nghiên cứu công nghệ, cải tiến máy móc, thiết bị cho phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của nông dân, đồng thời, đa dạng phương thức tiếp cận khách hàng để sản phẩm cơ giới Việt ngày càng phục vụ đắc lực cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam.
(Nguồn: taydojsc.com.vn)