Tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp: Đề xuất nhiều chính sách đột phá
Với
mục tiêu đến năm 2020 thu nhập của nông dân sẽ tăng lên gấp 2 lần so
với hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đã đề xuất nhiều chính sách đột phá trong
tái cơ cấu (TCC) ngành nông nghiệp...
Xác định 5 mặt hàng chủ lực
Ông Lê
Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng tháp cho biết, theo đề án TCC nông
nghiệp của tỉnh, Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng của
ngành đạt trên 5% trở lên, thu nhập của nông dân tăng gấp 2 lần so với
hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung phát
triển 5 ngành hàng chủ lực: lúa gạo, xoài, cá tra, vịt và hoa kiểng, với
2 ngành hàng thuộc sản phẩm chiến lược quốc gia là gạo và cá tra.
Đồng Tháp định hướng quy hoạch 2 vùng sản xuất lúa gạo phục vụ các mục đích khác nhau.
Với cá
tra, tỉnh định hướng phát triển vùng nuôi 1.500ha, sản lượng 300.000
tấn/năm nhằm sản xuất các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu vào EU,
Mỹ...
Để thực
hiện đề án này, theo ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng
Tháp, tỉnh đang đẩy mạnh đổi mới cơ chế, chính sách và đã trình Chính
phủ cho phép triển khai một số chính sách mang tính đột phá, như hỗ trợ
50% lãi suất vay khi thuê đất mở rộng quy mô sản xuất và san bằng mặt
ruộng; thí điểm đối tác “công – tư” trong phát triển cơ sở hạ tầng nông
nghiệp, nông thôn, xây dựng các khu, cụm công nghiệp – dịch vụ tại các
vùng chuyên canh, phát triển các chuỗi giá trị ngành nông nghiệp chủ
lực; khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư KHCN, xây dựng thương hiệu
sản phẩm, đầu tư hạ tầng cho các HTX nông nghiệp; thí điểm hỗ trợ các DN
ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo Luật Công nghệ cao…
Đẩy mạnh hợp tác công - tư
Nói về
đề án trên, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và
chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho biết: “Chúng
tôi đánh giá cao góc độ thay đổi tư duy, thay đổi cách tiếp cận của tỉnh
Đồng Tháp, coi nông nghiệp là trọng điểm của phát triển kinh tế và TCC
nông nghiệp cũng là trọng tâm của TCC kinh tế. Vì Đồng Tháp là tỉnh điển
hình về nông nghiệp nên nếu đề án thành công, đó sẽ là câu trả lời cho
giải pháp TCC nông nghiệp vùng ĐBSCL cũng như của Việt Nam”.
Liên
quan tới vấn đề gia tăng giá trị cho các mặt hàng nông sản, ông Lê Thanh
Thuấn – Chủ tịch Tập đoàn Sao Mai (An Giang) chia sẻ: “Việc tăng cường
đầu tư chất xám sẽ đem lại giá trị cao hơn rất nhiều cho các sản phẩm
nông sản của Việt Nam. Trước đây, mỡ cá tra chúng ta gần như bỏ đi,
nhưng Trung Quốc, Nhật Bản đã mua về để chế biến ra thực phẩm chức năng
rồi bán lại cho người Việt với giá cao hơn 100, thậm chí 1.000 lần. Nhờ
có sáng chế của Viện Dinh dưỡng, hiện chúng tôi đã sản xuất được dầu ăn
từ cá tra và không đủ cung ứng cho thị trường. Do đó, ngoài việc hỗ trợ
nông dân, để TCC nông nghiệp thành công, theo tôi Đồng Tháp cũng cần có
chính sách hỗ trợ cho DN đầu tư vào nông nghiệp”.
Một
trong những “điểm sáng” đầu tiên của đề án này là tại hội thảo Hỗ trợ kỹ
thuật xúc tiến đầu tư TCC nông nghiệp Đồng Tháp tổ chức ngày 25.11 tại
Hà Nội, Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC), Tổ chức Sáng kiến
Thương mại Bền vững (IDH) cùng các đối tác đã ký 2 biên bản thỏa thuận
hợp tác. Theo đó, KRC sẽ chịu trách nhiệm thúc đẩy nguồn viện trợ vốn để
đầu tư cho Đồng Tháp xây dựng cánh đồng liên kết sản xuất lúa gạo có
quy mô dự kiến 20.000ha. Còn tỉnh Đồng Tháp và IDH sẽhợp tác trong việc
phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản tại tỉnh này.