TÂY ĐÔ JSC
TẠO THUẬN LỢI CHO NÔNG DÂN ĐƯỢC VAY VỐN
Trong
điều kiện khó khăn, việc nông dân tiếp cận “tín dụng đen” lãi suất cao
vẫn còn tồn tại và đang có chiều hướng gia tăng ở hầu hết vùng nông thôn
ĐBSCL. Bên cạnh việc đẩy mạnh quy mô tín dụng của hệ thống ngân hàng,
thì đẩy mạnh việc tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp đang là vấn đề đặt
ra đối với sản xuất nông nghiệp bền vững trong thời gian tới.
Khốn khổ vì “tín dụng đen”
Thực tế khu vực ĐBSCL cho thấy, tình trạng cho vay nặng lãi khá phổ biến, với mức lãi suất khoảng 5%/tháng, không ít trường hợp lãi cắt cổ từ 10-30%/tháng. Cũng không ít trường hợp vì lý do mùa màng thất bát, để có tiền trả nợ vay đúng hạn, người dân sẵn sàng vay nợ với lãi suất lên đến 2-3%/ngày để thanh toán cho ngân hàng, sau đó làm thủ tục vay lại vốn để trả nợ vay “nóng”.
Sản xuất nông nghiệp luôn đối mặt với rủi ro vì thời tiết nên một
cơ chế tín dụng đặc thù là rất cần thiết. Ảnh: Duy Khương - TTXVN
|
Gia đình ông Trần Hoàng Việt, xã Bình Gia, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang là một trong những nạn nhân bị cuốn vào vòng xoáy của tín dụng đen hơn 2 năm nay. Để có tiền đáo nợ ngân hàng gia đình ông phải vay nóng 90 triệu đồng với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày. Vay nóng tuy nặng lãi nhưng gia đình chỉ trông chờ vào 12ha lúa chưa tới kỳ thu hoạch nhưng vẫn phải đầu tư phân bón, vật tư và tiêu xài trong gia đình thì không còn cách nào khác là phải chịu vay cắt cổ.
Cần khuyến khích các tổ chức tín dụng
Để có thể phát huy đầy đủ tiềm năng vùng ĐBSCL, trước mắt cần chú
trọng tháo gỡ những vướng mắc về vốn, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn
vốn vay ngân hàng cho hộ nông dân, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến
nông thủy, hải sản.
Củng cố phát triển thị trường tài chính cần dựa trên cơ sở tích tụ
và tập trung vốn cho các chủ thể kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp,
nông thôn một cách tự nguyện. Do vậy, cần phát triển đa dạng các định
chế tài chính, khuyến khích các NHTM mở rộng các hoạt động tài chính vi
mô và đưa ra các sản phẩm huy động vốn phù hợp với tâm lí và đặc điểm
kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Cần khuyến khích các tổ chức tín dụng
mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn từ khâu sản xuất đến
khâu tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các cơ quan
quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm cho ngân
hàng cho vay với lãi suất hợp lý theo từng thời điểm, thủ tục đơn giản,
cung ứng nguồn vốn kịp thời, đúng thời điểm…
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh- Viện trưởng viện Chiến lược ngân hàng
Tổ chức lại sản xuất
Đối với ĐBSCL, hiện nay, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa lớn là một việc làm hết sức thiết thực.
Hiện nay nếu DN đứng ra làm đầu mối để hấp thụ vốn NH, biết cách tổ
chức sản xuất từ khâu đầu đến khâu cuối, từ khâu nguyên vật liệu cho
đến khâu tổ chức sản xuất cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm thì nếu NH cấp
vốn cho DN đó cũng chính đã là thực hiện một phần đó là gói tín dụng
trọn gói. Với những giải pháp như vậy chúng tôi cho rằng nó vừa khơi
thông dòng vốn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp nông thôn ở ĐBSCL từ
phía các tổ chức tín dụng, và cũng làm cho khả năng hấp thụ vốn của khu
vực này để phục vụ cho phát triển nông nghiệp nông thôn thông thoáng
hơn, như vậy chúng ta mới sản xuất hàng hóa có GTGT, có hàm lượng công
nghệ, năng suất cao hơn làm cho sức cạnh tranh của hàng hóa trong khu
vực, chúng ta sánh được với trong khu vực và quốc tế, có như vậy chúng
ta mới chiếm lĩnh thị trường quốc tế để đảm bảo hoạt động xuất khẩu của
chúng ta đạt được hiệu quả cao hơn.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình
Nợ chồng chất vì tín dụng “đen”
Năm 2005 gia đình tôi có vay 90 triệu đồng từ ngân hàng để sản xuất
nhưng mất mùa, giá cả bấp bênh, phân bón, vật tư giá cao nên tôi phải
mượn bên ngoài để đáo nợ ngân hàng. Vừa trả ngân hàng vừa trả nợ bên
ngoài, đóng lãi thành ra nợ nần chồng chất, phải thế chấp tài sản, vay
đầu này đắp đầu kia. Lãi sinh lãi trả không nổi nên phải cắt xén đất để
bán…
Ông Trần Trung Thành, ấp Trung Bình, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn,
tỉnh An Giang. |
Theo ông Lâm Hoàng Sa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, thu nhập của nông dân trong tỉnh chủ yếu tập trung vào thời điểm thu hoạch, nhưng chi tiêu sinh hoạt mang tính thường xuyên. Đây là điều kiện thuận lợi để nạn cho vay nặng lãi, bán chịu hàng hóa giá cao ở khu vực nông thôn phát triển. Mặc dù trên địa bàn đã có một vài ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân thực hiện cho vay tiêu dùng nhưng còn thấp so với nhu cầu (bình quân 680.000 đồng/người/năm) và lãi suất cho vay còn khá cao (15-18%/năm).
Vì thế việc cho vay lãi cao ở nông thôn vẫn còn nhiều, bên cạnh việc vay nóng để đáo nợ ngân hàng thì một hình thức tín dụng khác có mức lãi suất cao không kém đó là bán chịu vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, giống, hàng tiêu dùng... khi đến vụ nông dân phải trả lãi mới mức giá chênh lệch khá cao.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sở dĩ “tín dụng đen” có đất sống ở khu vực này bởi hạn mức tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp khá thấp và việc tiếp cận vốn ngân hàng với thủ tục rườm rà, dù ngân hàng có nhiều nỗ lực để đẩy mạnh tín dụng. Nhu cầu vay vốn của nông dân rất lớn, ngân hàng vẫn còn khó khăn về vốn nên chưa thể đáp ứng hết được. Muốn giảm nghèo bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất người dân bị cuốn vào tín dụng đen, thì không chỉ lo cấp vốn mà còn phải đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn một cách cụ thể nuôi con gì, trồng cây gì để người dân tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả cao nhất.
Cần đột phá
Theo TS. Nguyễn Đức Hưởng- Phó CT HĐQT LienVietPostBank, tuy hoạt động tín dụng ngân hàng đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống người dân vùng ĐBSCL, tuy nhiên, hoạt động tín dụng tại khu vực này cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 77% nhu cầu vốn. Hoạt động tại đây vẫn tồn tại những bất cập, khó khăn trong việc tiếp cận vốn từ người dân, khó khăn trong cho vay vốn ngân hàng, “tín dụng đen”, hiệu quả đầu tư vốn chưa cao, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng, sản phẩm dịch vụ còn nghèo nàn…
Đánh giá riêng về lĩnh vực nông nghiệp, ông Trần Xuân Châu cho rằng, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch cũng như quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh chưa tốt, nên nguồn vốn tín dụng tuy đã tăng trưởng lớn, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của khu vực, đặc biệt là việc phát triển nền nông nghiệp kỹ thuật cao.
Thực tế cho thấy, mặt hàng lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái luôn đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro thị trường. Ngoài điệp khúc “được mùa mất giá”, các mặt hàng thủy sản cũng luôn là đối tượng bị các nước đe dọa áp dụng luật chống bán phá giá một cách thiếu công bằng. Tình trạng đầu tư tràn lan, thiếu quy hoạch, chạy theo phong trào đã tạo ra những sản phẩm thiếu tính cạnh tranh và gây ảnh hưởng đến thương hiệu hàng Việt Nam cũng như ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.
Trao đổi về những giải pháp để giải quyết thực trạng này, TS. Nguyễn Đức Hưởng cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ mang tính đột phá. Trước tiên, nhà nước cần cho phép tích tụ ruộng đất, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, khai thác chuỗi giá trị khép kín từ nghiên cứu, sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, biến nông dân thành công nhân và cổ đông doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp. Nhà nước cần có chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó, cần mở các “nút thắt” để tăng cường vệc thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực nông nghiệp. Họ sẽ là những người mang công nghệ mới, cách thức làm ăn để cải tiến các yếu tố lạc hậu, đồng thời tăng sức ép cạnh tranh.
Theo TS. Hưởng, chính sách hạn điền hiện có những điểm chưa phù hợp. Nhà nước có thể thực hiện chính sách cho thuê đất 100 năm, khi đó cả nhà nông lẫn nhà đầu tư sẽ an tâm sản xuất kinh doanh. Cần có cơ chế kích thích bảo hiểm và bảo hiểm từ thiện vốn vay nông nghiệp nông thôn. Hiện nay bảo hiểm nông nghiệp nông thôn gần như đang để ngỏ.
Một trong những công cụ hữu hiệu khác để kích thích phát triển nông
nghiệp nông thôn là chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp kinh
doanh cánh đồng mẫu lớn và tham gia chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh
nông nghiệp nông thôn. Riêng phía ngành ngân hàng, cần mở rộng mạng lưới
chi nhánh gắn với nông nghiệp nông thôn. Cần có cơ chế bắt buộc các
ngân hàng duy trì hệ thống dư nợ tín dụng phục vụ nông nghiệp, chẳng hạn
tối thiểu 20% và có chế độ thưởng cho ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cho vay
nông nghiệp, nông thôn trên 35%.
(Nguồn: baotintuc.vn)