Sản xuất nông nghiệp cần thích ứng biến đổi khí hậu
Do
ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, mặc dù đã bước sang nửa cuối tháng 11,
nhưng nắng nóng vẫn trải dài trên địa bàn cả nước, báo hiệu thêm mùa
đông ấm, kéo theo nhiều bất lợi trong hoạt động sản xuất nông nghiệp,
đòi hỏi phải có các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ
thiệt hại do thiên tai.
Nguy cơ hạn, mặn kéo dài
(Ảnh minh hoạ - Nguồn tinmoitruong.vn)
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, nhiệt độ ngày hôm qua (17-11) trên toàn miền bắc tiếp tục nhích thêm khoảng 20C so với hôm trước, lên mức 30-330C; riêng một số nơi thuộc Đông Bắc Bộ vượt ngưỡng 330C. Trời nắng nóng như mùa hè. Đây là mức nhiệt cao nhất được ghi nhận từ đầu tháng 11 đến nay và là mức nhiệt cao vọt so với cùng kỳ nhiều năm trước, khi mà nhiệt độ thấp nhất ghi nhận tại Thủ đô Hà Nội đã có lúc xuống chỉ còn 14-150C, nhiệt độ ban ngày ở mức 19-200C.
Sở dĩ mùa đông năm nay ấm hơn trung bình nhiều năm do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Nhiệt độ trong tháng được dự báo cao hơn trung bình từ 0,5-10C. Theo dự báo, hình thái thời tiết này sẽ tiếp tục duy trì trong khoảng 10 ngày tới.
Như vậy, ngoài cường độ mạnh, El Nino 2014-2016 sẽ trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua. Dự báo trong các năm El Nino mạnh, nền nhiệt độ trung bình ở hầu hết các khu vực của nước ta có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và xuất hiện nhiều hơn các kỷ lục về nắng nóng.
Năm nay, hạn hán đã xảy ra, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gần 40 nghìn ha phải dừng sản xuất do thiếu nước, diện tích cây trồng bị hạn lên tới 122 nghìn ha; hàng chục nghìn người thiếu nước sinh hoạt. Mặt khác, do ảnh hưởng của El Nino, dòng chảy thượng nguồn sông Cửu Long thiếu hụt nhiều, xâm nhập mặn tại vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuất hiện sớm, vào sâu trong đất liền so TBNN cùng kỳ. Đặc biệt, các vùng cách biển 25-35 km, từ tháng 1 đến tháng 2-2016 trở đi, sẽ gần như không có khả năng lấy nước ngọt; còn các vùng cách biển 45-65 km: từ tháng 1 đến tháng 5-2016 có khả năng cao bị mặn xâm nhập. Điển hình như ở các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, An Giang..., một số nơi, nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng từ 50 đến 60 km, độ mặn cũng cao hơn những năm trước, khiến hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị thiệt hại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long từ đầu tháng 5 cho đến nay luôn ở mức thấp hơn TBNN, có thời điểm thấp hơn 1,5-1,8 m. Đây là năm có đỉnh lũ thấp nhất trong gần 100 năm qua. Riêng tại địa bàn Kiên Giang, mực nước đều thấp hơn 0,1-0,3 m so cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt là đầu tháng 6, 7, mặn xâm nhập sâu vào các kênh, gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt kéo dài cho TP Rạch Giá. Cho nên vùng sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng hạn, mặn chính là vùng ven biển TP Rạch Giá – Hà Tiên, ven sông Cái Lớn, Cái Bé, vùng U Minh Thượng. Riêng huyện An Minh, dù mới xuống giống nhưng toàn huyện đã có 5.000 ha lúa trên nền đất nuôi tôm bị ảnh hưởng mặn, nhiều diện tích mất trắng không thể khôi phục...
Chủ động ứng phó
Để đối phó ảnh hưởng của El Nino đối với sản xuất nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Chỉ thị số 8718/CT-BNN-TCTL yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương rà soát tình hình, đánh giá khả năng tác động của hạn hán, xâm nhập mặn tới các ngành sản xuất, đời sống của nhân dân, xây dựng các kế hoạch ứng phó cụ thể để triển khai thực hiện, giảm đến mức tối thiểu thiệt hại, ổn định sản xuất, thu nhập và đời sống của nhân dân trên địa bàn. Mặt khác, các cấp, ngành cần tổ chức kiểm tra, tổng hợp cụ thể nguồn nước kể cả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao khi hạn hán xảy ra.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngay trong chiều 16-11, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015-2016. Theo đó, để bảo đảm sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, trước mắt, các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng cần xây dựng kế hoạch cụ thể điều tiết, sử dụng tiết kiệm các nguồn nước kể cả các hồ chứa thủy điện để phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, lưu ý cân đối nguồn nước để bảo đảm cung cấp cho cả vụ đông xuân 2015-2016 và năm 2016. Trên cơ sở cân đối nguồn nước cho cả năm 2016, cần xác định cụ thể vùng bảo đảm tưới, vùng nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước để bố trí cơ cấu cây trồng, mùa vụ hợp lý. Xem xét điều chỉnh theo hướng chuyển đổi vùng trồng lúa thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước sang cây trồng cạn hoặc dừng canh tác.
Trong bối cảnh hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng tác động tiêu cực đến sản xuất thì phát triển một nền nông nghiệp bền vững thích ứng được với biến đổi khí hậu đang là bài toán khó đặt ra cho các bộ, ngành từ T.Ư đến địa phương. Trao đổi với chúng tôi, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai cho biết, sản xuất vụ đông xuân 2015-2016 sẽ trong điều kiện thời tiết ấm, vì vậy các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trên cơ sở dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn. Trong thời gian sớm nhất, Bộ sẽ cùng các bộ, ngành liên quan họp thống nhất về lịch thời vụ và lịch xả nước các hồ thủy điện để tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp của các địa phương. Đề phòng mùa mưa sang năm đến chậm, các địa phương phải cân đối nguồn nước cụ thể, và phải dành nước cho những cây trồng có giá trị cao, đặc biệt ở Đác Lắc là cà-phê và hồ tiêu. Ngoài ra, các địa phương cũng cần áp dụng triệt để tưới tiết kiệm. Bởi thực tế cho thấy, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt có thể giảm khoảng 30% lượng nước tưới, mà năng suất tăng, chi phí giảm, nhất là chi phí nhân công, đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân.
(Tin tức Tây Đô - Nguồn nhandan.com.vn)