Nâng cao thu nhập cho người trồng mía ở đồng bằng sông Cửu Long
Sau
mấy năm liên tiếp bị thua lỗ, vụ mía năm 2015 ở đồng bằng sông Cửu Long
(ĐBSCL) đã có những khởi sắc, trúng mùa, được giá, người nông dân phấn
khởi. Song, theo nhận định của các địa phương, thu nhập của người trồng
mía vẫn còn bấp bênh, thiếu tính ổn định, cần có các giải pháp căn cơ để
giảm giá thành sản xuất và phát triển bền vững.
Một mùa mía ngọtVụ thu hoạch mía năm nay ở huyện Phụng Hiệp - địa phương có vùng mía nguyên liệu gần 8.000 ha, lớn nhất của tỉnh Hậu Giang, được đánh giá là thắng lợi. Bà con nông dân rất phấn khởi do trúng mùa, được giá, giá mía bán tại ruộng từ 1.100 đồng đến 1.200 đồng/kg (tăng 200 đồng/kg so đầu vụ và tăng khoảng 400 đồng/kg so cùng kỳ năm 2014).
Ông Nguyễn Thành Công ở ấp Phương Quới C, xã Phương Bình (huyện Phụng Hiệp) - người có bảy công mía giống ROC 16, cho biết: “Năng suất mía năm nay đạt khá cao, từ 100 đến 110 tấn/ha; chữ đường cũng đạt hơn 10 CCS. Với mức giá thu mua mía này, gia đình tôi có lãi khoảng 40 triệu đồng, cao hơn gấp năm lần so với vụ mía trước”. Còn ông Nguyễn Văn Đặng, ở ấp Hòa Hưng, thị trấn Búng Tàu (huyện Phụng Hiệp) chia sẻ: “Do khu vực này là vùng đất trũng cho nên mọi năm vào thời điểm này, nước đã ngập khỏi mặt liếp mía khá cao. Sau khi nước rút, tôi phải chở khoảng 10 tấn mía còn sót lại trong quá trình thu hoạch của gia đình về phơi khô làm củi. Nhưng năm nay, tình trạng này không xảy ra, mía được đốn tận gốc, năng suất tăng, trong khi chi phí thuê nhân công thu hoạch lại rẻ. Phải chi vụ nào cũng như thế này thì khỏe biết mấy!”. Với tốc độ thu hoạch trung bình khoảng 100 ha/ngày, dự kiến đến đầu tháng 12 người trồng mía huyện Phụng Hiệp thu hoạch dứt điểm, để chuẩn bị cho vụ mía mới. Cây mía ở Hậu Giang đã ngọt trở lại sau ba năm liên tiếp “mang vị đắng” do giá xuống quá thấp.
Còn những nỗi lo
Lý giải về giá mía năm nay tăng cao, người dân có thu nhập tốt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng cho rằng, đó là do giá đường thế giới nhích lên, năm nay ĐBSCL lại không bị lũ cho nên nông dân không phải gấp gáp thu hoạch mía khi chưa đủ chín, do vậy chữ đường cao. Mặt khác, đây cũng là một vụ mía có sự điều hành kịp thời của ngành nông nghiệp địa phương, từ việc bố trí cơ cấu giống, đến điều hành thời điểm vào vụ và thu hoạch sao cho phù hợp để đạt chữ đường cao nhất. Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), diện tích mía toàn vùng ĐBSCL niên vụ này chỉ còn 41.880 ha, giảm hơn 6.000 ha so với niên vụ trước, cho nên các nhà máy đường thu mua nguyên liệu với mức giá cao hơn.
Mặc dù ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao năng suất và chất lượng mía nhưng quy mô vùng nguyên liệu tại khu vực này vẫn nhỏ lẻ và manh mún, chủ yếu do các nông hộ quản lý với diện tích bình quân đạt 0,7 ha/hộ dân, chưa có những trang trại và cánh đồng mía lớn. Tất cả các khâu sản xuất mía từ làm đất, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch hầu hết đều làm thủ công khiến cho giá thành sản xuất mía vẫn còn khá cao, bình quân khoảng 600 đến 750 đồng/kg mía tùy từng địa phương. Mặt khác, cây mía cũng đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các loại cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản, cho nên vẫn còn khá bấp bênh.
Để người trồng mía sống được với cây mía
Đối với nhiều tỉnh ở ĐBSCL - mía là cây trồng chủ lực của người nông dân, do đó để phát triển ổn định và nâng cao thu nhập của người trồng mía, cần có cuộc cách mạng về giống và kỹ thuật canh tác. Trên cơ sở khai thác lợi thế của vùng là nắng nhiều, đất đai phù sa màu mỡ và nước tưới dồi dào, từ đó chọn ra các giống mía có năng suất cao, chất lượng tốt và thời gian sinh trưởng phù hợp với từng vùng nhằm phấn đấu đưa năng suất mía đạt bình quân 100 tấn/ha và chữ đường đạt 12 CCS vào năm 2020; từng bước nghiên cứu chế tạo và áp dụng các máy móc để có thể cơ giới hóa rộng rãi khâu làm đất, đào hộc, gieo trồng trong điều kiện nền đất yếu của ĐBSCL. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục đầu tư đê bao chống lũ và các giải pháp bơm tát đối với các vùng đất thấp có trồng mía để tránh tình trạng mía chưa kịp chín khi có lũ về và chủ động hơn trong việc canh tác các cây trồng xen canh với mía, giúp gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Với đặc điểm mạng lưới sông ngòi chằng chịt, công tác vận chuyển mía về nhà máy chủ yếu bằng đường thủy, cần tổ chức thu hoạch, vận chuyển và ép mía một cách khoa học nhằm hạn chế tối đa thất thoát sau thu hoạch. Về phía các Trung tâm khuyến nông, cần đẩy mạnh công tác khuyến nông bằng các hình thức đa dạng như xây dựng và giới thiệu, quảng bá các mô hình trồng mía năng suất, chất lượng cao như câu lạc bộ nông dân trồng mía giỏi, câu lạc bộ 200 tấn/ha… Tổ chức cho nông dân tham quan các mô hình trình diễn hiệu quả để người dân học tập.
Trao đổi với chúng tôi về cây mía ở ĐBSCL nói riêng và ngành mía đường Việt Nam nói chung; về vấn đề tồn tại và cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng cho biết “Niên vụ 2015-2016, về phía địa phương, tỉnh sẽ tập trung xây dựng cánh đồng mía lớn, đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng ở các vùng này, nhằm phấn đấu đến năm 2020, sẽ giảm giá thành sản xuất mía xuống dưới 500 đồng/kg. Có như vậy, mới cạnh tranh được với các nước trong khu vực”. Các công ty, nhà máy đường cần có chính sách xây dựng vùng mía nguyên liệu riêng của mình, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ nông dân trong việc bán mía trực tiếp cho nhà máy, từ đó góp phần giảm các chi phí trung gian không cần thiết.
Cùng với đó, các nhà máy cần thực hiện tốt việc thu mua mía theo khung chữ đường, không mua mía xô. Đây cũng là cách làm cho nông dân ý thức việc trồng mía có chất lượng, điều chỉnh cách thức sản xuất mía để đạt chữ đường cao. Đồng thời để khai thác tối đa điểm độc đáo của ĐBSCL, đó là vùng nguyên liệu chung - thời gian thu hoạch kéo dài, các nhà máy cần nâng công suất, tăng lượng mía ép, cũng như sản lượng đường và kéo dài thời gian sản xuất trong vụ. Ngoài ra, cần đầu tư khai thác hiệu quả các phụ phẩm từ mía như: Sản xuất ethanol từ mật rỉ, hay phân hữu cơ từ nguồn bã bùn, cũng như tận dụng các phế phẩm sau thu hoạch từ cây mía như ngọn, lá mía cho chăn nuôi,... vừa gia tăng thêm giá trị cho doanh nghiệp, vừa góp phần cải tạo đất canh tác, giảm chi phí bón phân cho mía, góp phần làm giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh, để người trồng mía thật sự sống được với cây mía
(Tin Tây Đô - Nguồn Nhandan.com.vn)