Bảo hiểm dành cho thủy sản, cụ thể là con tôm khá khó khăn.
Những năm vừa qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích
dành cho các đối tượng ưu tiên như DN xuất khẩu hay người nông dân.
Trong đó, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp
là 2 chính sách hỗ trợ thiết thực nhưng kết quả thực hiện không như mong
muốn.
Cả năm có 30 hợp đồng
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm, giai đoạn 2011-2012 bảo hiểm xuất
khẩu thu được 13 tỉ đồng phí nhưng bồi thường hơn 15 tỉ đồng. Năm 2013
chỉ thu được 6,5 tỉ đồng của 30 hợp đồng, nhưng các hợp đồng còn thời
hạn đến năm 2014 và chưa có phát sinh bồi thường. Có thể nói, chính sách
bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đã không đạt kết quả như mong muốn của
Chính phủ khi triển khai chương trình.
Theo chuyên gia bảo hiểm, có nhiều nguyên nhân khiến bảo hiểm tín dụng
không phát triển mặc dù được Nhà nước hỗ trợ tới 20% phí, trong đó quan
trọng nhất là nhận thức của DN xuất khẩu Việt Nam.
Các DN xuất khẩu Việt Nam chưa lo xa trong khai thác thị trường. Tăng
trưởng xuất khẩu Việt Nam tăng khá nhanh sau khi vào WTO nên nhiều quốc
gia dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế hàng hóa của Việt Nam.
Vì vậy, các DN luôn phải ý thức việc đi tìm thị trường mới, khách hàng
mới, thậm chí hàng hóa mới. Để có thị trường, khách hàng mới thì yếu tố
cạnh tranh chính là việc bán chịu cho nhà nhập khẩu. Thực tế nhiều DN
Việt Nam đã được mua hàng từ đối tác nước ngoài thông qua hình thức này
như máy bay, máy móc, thiết bị,...
Bản chất của việc bán chịu là người bán lo tín dụng cho người mua. Vì
thế, DN xuất khẩu mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sẽ được chi trả nếu
như người mua không thanh toán.
“Đây là biện pháp để khuyến khích các thương nhân Việt Nam mạnh dạn đi
tìm thị trường mới, khách hàng mới. Tuy nhiên, nhiều DN Việt Nam chưa
nhận thức được hoặc nếu có bán chịu thì DN cũng tự lo tín dụng hoặc xin
xác nhận của NH”- ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm -
nói.
Bên cạnh đó, các NHTM cũng không mặn mà ủng hộ chính sách bảo hiểm tín
dụng xuất khẩu, vì đây là sản phẩm cạnh tranh với NH. Tuy nhiên, việc
thu phí xác nhận tín dụng của các NH cũng không thể phát triển bởi luật
quy định NH hạn chế tín dụng cho 1 khách hàng không quá 10% vốn chủ sở
hữu hoặc không quá vốn chủ sở hữu của DN.
Còn các DNBH thì do ít khách hàng mà vốn đầu tư cho xây dựng, quản lý
sản phẩm tín dụng xuất khẩu khá cao nên phí bảo hiểm cho 1 hợp đồng rất
cao, khiến DN không có lãi. Vì vậy, DNBH chán nản không muốn tiếp tục
đầu tư để phát triển.
Phổ biến trục lợi bảo hiểm con tôm
Với chính sách bảo hiểm nông nghiệp, đối tượng hướng tới chủ yếu là
người nông dân. Theo đánh giá của các DNBH, bảo hiểm nông nghiệp đối với
cây lúa và chăn nuôi khá triển vọng, riêng có bảo hiểm dành cho thủy
sản, cụ thể là con tôm thì khá khó khăn.
Khó khăn đầu tiên phải kể đến là chính sách áp dụng bảo hiểm thủy sản
không theo quy luật số đông. Vùng được triển khai không thuộc 1 tỉnh hay
1 huyện mà trong 1 tỉnh chọn 3 huyện, và mỗi huyện 3 xã được thực hiện.
Điều này gây khó cho DNBH khi triển khai cán bộ theo dõi, dẫn đến không
thể giám sát.
Lực lượng cán bộ bị phân tán nhưng đền bù lại theo hóa đơn mua con
giống, thức ăn và độ ngày tuổi nên tạo ra kẽ hở cho người nuôi trục lợi.
Có trường hợp người nuôi tôm báo tôm chết, cán bộ đến kiểm tra thì thấy
rêu đã mọc kín ao cho thấy tôm hoặc chết đã lâu hoặc không thả nuôi.
Tuy nhiên, do có đủ hóa đơn, chứng từ, thuộc vùng được bảo hiểm nên DNBH
không thể từ chối chi trả.
“Ít người nên DNBH không kiểm tra xem người dân có thả tôm đúng ngày
không vì tôm từ ngày thứ 55 trở đi đã có thể tận thu. Cũng có trường hợp
người nuôi mua tôm giống, thức ăn bảo hiểm cho ao này nhưng nuôi thả ao
khác ngoài vùng được bảo hiểm” – ông Lộc chia sẻ.
Bên cạnh nguyên nhân chủ quan thì một nguyên nhân khách quan là sản
phẩm bảo hiểm con tôm được triển khai đúng thời kỳ tôm bệnh nhiều nên
các DNBH chịu nhiều thiệt hại. Tổng số tiền bồi thường lên tới 600 tỉ
đồng nhưng phí thu được chỉ 170 tỉ đồng. Các DN tái bảo hiểm không dám
nhận vì bồi thường và rủi ro quá lớn khiến các DNBH phải “bỏ chạy”.
Gánh chịu thiệt hại đó không ai khác ngoài nhà nước. Bởi thực tế, chính
sách hỗ trợ người nghèo mua bảo hiểm là 100%, hộ cận nghèo 80%, còn
nông dân bình thường là 60% nên chủ yếu chỉ có hộ nghèo và cận nghèo
tham gia. Do đó, phí bảo hiểm Nhà nước vừa mất, đồng thời mất tiền bồi
thường.
Nhà nước luôn cố gắng ban hành chính sách nhằm hỗ trợ DN, người dân kinh
doanh, nhưng rõ ràng những “thất bại tạm thời” trong triển khai cần có
thay đổi trong cơ chế, chính sách thực hiện, nếu không khó khăn đó sẽ
chuyển thành “thất bại thực sự”
(Nguồn: laodong.com.vn)