Chuyển đến nội dung chính

Nông nghiệp công nghệ cao có "quá sức" với Việt Nam?

Nông nghiệp công nghệ cao có "quá sức" với Việt Nam?


Nông nghiệp công nghệ cao có
 
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) là chủ trương mang tính đột phá, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, việc phát triển NNCNC vẫn còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế nhất định.
TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), trả lời phóng viên Báo điện tử Chính phủ về vấn đề này.

Thưa ông, dường như cho đến nay khái niệm NNCNC vẫn chưa thực sự rõ và điều này có ảnh hưởng đến việc ưu đãi, hỗ trợ không?
TS. Đặng Kim Sơn: Khó có thể tìm thấy một định nghĩa phù hợp, nhất quán và đúng trong mọi hoàn cảnh về NNCNC. Quan điểm về “công nghệ cao” và cách thức ứng dụng còn gây nhiều tranh cãi. Nhiều doanh nghiệp sản xuất nông sản còn khá mơ hồ về khái niệm này.
Theo quan điểm tôi, NNCNC là nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, các công nghệ đó phải bảo đảm có hàm lượng khoa học mới phát minh trong thế kỷ 21 ở mức độ “nhiều”, từ đó đem lại năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng đặc biệt. Ở đây, chúng ta không còn bàn đến những công nghệ trong thế kỷ 20, thời đại này là của công nghệ nano, công nghệ sinh học, số hóa, vật liệu mới… Đây là những công nghệ mũi nhọn đi từ khoa học cơ bản chuyển thẳng sang khoa học ứng dụng.
Có những quan điểm cho rằng một nhà kính, nhà lưới trong đó có hệ thống điều khiển môi trường sản xuất mang tính chất nhân tạo; một cánh đồng được trang bị hệ thống thủy lợi tự động; san phẳng đồng ruộng bằng laser, sử dụng máy móc cơ giới cỡ lớn, liên hoàn với nhau là ứng dụng công nghệ cao… Tôi cho rằng quan điểm này chưa đúng.

Với hàm lượng công nghệ tân tiến, mang tính cập nhật cao như vậy, những điều kiện hiện có của Việt Nam đã phù hợp để phát triển NNCNC hay chưa?
TS. Đặng Kim Sơn: Theo tôi, việc áp dụng công nghệ cao đối với nông nghiệp Việt có thể là một bước chuyển quá xa do nền nông nghiệp nước ta có xuất phát điểm và mức độ phát triển thấp. Với bối cảnh hiện tại, mục tiêu tái cơ cấu nền nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp “mới” là phù hợp và nên được ưu tiên.
Nền nông nghiệp mới không đại diện bởi vấn đề “công cụ” như công nghệ, nguồn vốn, đất đai, nhân lực… mà phải bảo đảm được tính hiệu quả và tính tiết kiệm. Thêm vào đó, phải tạo thêm được giá trị gia tăng về chất lượng, dinh dưỡng, văn hóa… để cùng một đơn vị sản phẩm như trước nhưng có thể bán với giá cao hơn.
Một yếu tố nữa không thể thiếu là yếu tố “bền vững”, thể hiện ở việc sản xuất thân thiện với môi trường, bảo vệ cảnh quan; không tiêu hao, lãng phí cơ hội của thế hệ mai sau; đứng vững trước biến động, các cú “sốc” của thị trường và xã hội. Tóm lại, phải bảo đảm cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường mới là một nền nông nghiệp mới.
Để làm được điều này, cần xác định các mặt hàng có lợi thế, có khả năng cạnh tranh; tiến hành nghiên cứu thị trường trước để không xảy ra các cuộc khủng hoảng thừa nông sản trong thời gian trước.
Nên nhắm vào các thị trường có giá tốt, khan hiếm, có giá trị gia tăng cao, đừng ham sản xuất nhiều và dùng chính sách giá rẻ. Tiếp đó, phải xây dựng được các chuỗi giá trị, dựa trên tính ổn định của nguồn nguyên liệu, các khâu khác từ chế biến đến tiêu thụ phải gắn liền với nhau để trực tiếp đưa hàng hóa đến người mua cuối cùng theo con đường chính ngạch.

Chúng ta cần phải chuẩn bị những gì để đón đầu xu hướng NNCNC?
TS. Đặng Kim Sơn: Tôi nói cần ưu tiên tái cơ cấu nền nông nghiệp nói không có nghĩa là Việt Nam không thể áp dụng được hệ thống NNCNC.
Hiện nay, một số các doanh nghiệp lớn như TH, Vinamilk đã sử dụng công nghệ gene đối với đàn bò sữa, cho năng suất và khả năng chống chịu cao; tích hợp gắn con chip cho đàn bò; xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại, đồng bộ.
Đây là những mô hình tốt nhưng tỷ trọng chưa nhiều. Vì vậy, song song với việc tái cơ cấu nền nông nghiệp, cần thực hiện các điều kiện hỗ trợ, mở đường cho NNCNC phát triển.
Khoa học, công nghệ là một loại hình đầu tư rất đặc biệt, tiềm ẩn rủi ro cao nhưng đồng thời hứa hẹn mang lại nguồn lợi nhuận lớn. Các ngân hàng thương mại thông thường không chấp nhận rủi ro cao như vậy. Do đó, nên nghiên cứu phương án lập các quỹ đầu tư mạo hiểm để thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển công nghệ, đồng thời tìm ra các phương pháp ứng dụng công nghệ vào sản xuất một cách có hiệu quả và phù hợp.
Trong trường hợp chưa có ngay các quỹ với hình thức như vậy, các ngân hàng thương mại cần phải thay đổi cách ứng xử, phải hành động như người tham gia đầu tư, kết hợp với doanh nghiệp, cùng xây dựng dự án. Không thể đợi các doanh nghiệp xây dựng xong đề án vay, sau đó mới đi thẩm tra kiểm tra dựa trên hàng loạt các tiêu chí rồi mới ra quyết định cho vay.
Thêm vào đó, cần phải nhân rộng mô hình vườn ươm khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, biến những ý tưởng công nghệ khả thi thành sản phẩm định hình. Các vườn ươm cung cấp cho doanh nghiệp một môi trường có chi phí thấp (hoặc miễn phí), hỗ trợ phát triển qua các giai đoạn huấn luyện và hướng dẫn chuyên sâu với những người cố vấn giàu kinh nghiệm.
Ngoài ra, cần thiết phải đưa các viện nghiên cứu, các trường đại học ra khỏi “tháp ngà”. Kinh phí nghiên cứu không nên cấp phát hằng năm theo kế hoạch mà cần được xây dựng thành quỹ do đại diện cho người nông dân và doanh nhân quản lý. Nếu thực hiện được việc đấu thầu quyền nghiên cứu khoa học công nghệ thì vấn đề lúc này chỉ là tính hiệu quả của sản phẩm cuối cùng. Phân định rõ trong quan hệ người bán và người mua sản phẩm công nghệ, thương mại hóa các hoạt động nghiên cứu khoa học là cách tốt nhất để gia tăng hiệu suất của các cơ quan này.
Một yếu tố quan trọng không thể thiếu đó là cần tập trung nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng. Cần có đường xá để máy móc chạy, cần có hệ thống điện, nước ổn định để phục vụ sản xuất.
Kết hợp đồng bộ bốn yếu tố này cần lộ trình cụ thể và tốn nhiều thời gian, nhưng như vậy mới gỡ được các “nút thắt” cản trở nền nông nghiệp nước nhà phát triển theo hướng hiện đại
(Nguồn: Tây Đô)

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cách trồng và chăm sóc cây lá lốt trong chậu

Cách trồng và chăm sóc cây lá lốt trong chậu Xuất hiện trong nhiều món ăn quen thuộc và có nhiều tác dụng khác nhau nên lá lốt được trồng ở khắp nơi. Người dân chỉ cần chú ý theo một số kỹ thuật trồng cây dưới đây là có thể tự cung cấp rau cho gia đình. Cây lá lốt có tên khoa học là Piper lolot, thuộc họ  hồ tiêu  (Piperaceae) và có  kỹ thuật trồng cây  rất đơn giản. Lá lốt là loại rau quen thuộc và được dùng phổ biến trong các bữa ăn. Lá lốt thường được sử dụng ăn sống như các loại rau thơm hoặc làm rau gia vị khi nấu canh. Ngoài là rau ăn lá, lá lốt còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh, khi dùng có thể dùng tươi, phơi hay sấy khô. Lá lốt có kỹ thuật trồng cây không quá khó Đây là loài cây thảo sống nhiều năm, thân có rãnh dọc. Lá đơn nguyên, mọc so le, hình tim, có màu xanh đậm, mặt lá bóng. Hoa mọc từ nách lá, cụm hoa bông, hoa đực và hoa cái khác gốc. Quả mọng chứa một hạt. Cây thường mọc hoang trong rừng, nơi ẩm ướt dọc các bãi cát ven suối và phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc

Tích cực phòng trừ đạo ôn

Tích cực phòng trừ đạo ôn Dự báo, thời gian tới bệnh đạo ôn hại lá có thể gây hại trên diện rộng. Riêng đối với những diện tích lúa trỗ sớm trong tháng 4, bệnh đạo ôn cổ bông có khả năng phát sinh. (Ánh minh hoạ)   Vụ xuân năm nay, tỉnh Tuyên Quang gieo cấy 20.169 ha lúa, đạt 104,3% kế hoạch. Hiện lúa bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ đến đứng cái làm đòng; tuy nhiên thời tiết diễn biến bất thường, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh gây hại rải rác trên một số giống nhiễm như BC 15, HT 1, Bắc thơm số 7, nếp... với diện tích 7 ha tại các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa, TP Tuyên Quang..., tỷ lệ bệnh nơi cao 3 - 5 % số lá. Dự báo, thời gian tới bệnh đạo ôn hại lá có thể gây hại trên diện rộng. Riêng đối với những diện tích lúa trỗ sớm trong tháng 4, bệnh đạo ôn cổ bông có khả năng phát sinh.   Anh Vũ Đình Tám, Trưởng trạm BVTV huyện Yên Sơn cho biết, trạm đã phân công cán bộ, bám sát cơ sở phối hợp với khuyến nông hướng dẫn bà con thực hiện bón cân đối NPK, không bón quá nhiều ho

Định hướng dài hạn nhằm thu hút vốn FDI vào nông nghiệp

Định hướng dài hạn nhằm thu hút vốn FDI vào nông nghiệp Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Lê Bá Liễu/TTXVN) Là ngành có nhiều tiềm năng và lợi thế, song dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng hạn chế so với nhu cầu thu hút vốn và những kỳ vọng. Trong khi đầu tư nước ngoài của cả nước có xu hướng tăng, thì dòng vốn này vào lĩnh vực nông nghiệp lại quá nhỏ về quy mô dự án và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng đầu tư nước ngoài của cả nước. Điều này đang đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có một chiến lược, định hướng dài hạn để thu hút vốn FDI. FDI trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được đặc biệt coi trọng và được khuyến khích để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển nông nghiệp. Với quyết tâm vực dậy nguồn vốn này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh Bộ sẽ rà soát lại cơ chế chính sách để thực sự khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, từ đó tạo m