Kinh hãi vài trăm con sâu tấn công trơ trụi 1 cây điều
Những ngày này, đến vùng chuyên canh cây điều tại huyện Krông Pa (Gia Lai) và một số “vựa” điều trên địa bàn Tây Nguyên, ai cũng dễ dàng nhìn thấy rất nhiều vườn điều bị sâu hại ăn trơ trụi. Khắp các vườn điều chỉ thấy hình ảnh trơ cành, ngọn cháy khô do bọ xít muỗi hút hết dưỡng chất…
Vài trăm con sâu tấn công 1 cây điều
Vườn
điều gần 10ha của ông Nguyễn Văn Sơn (xã Uar, huyện Krông Pa, Gia Lai)
đang đứng trước nguy cơ mất trắng bởi bị sâu xanh hoành hành, cắn rụng
hết các cuống hoa. Ông Sơn rầu rĩ chia sẻ: “Tôi vừa phun thuốc trừ sâu
định kỳ được hơn 10 ngày thì phát hiện có sâu. Từ đó đến nay nhà
tôi phun thuốc đến 3 lần rồi mà sâu vẫn không hết. Ban đầu ít thôi nhưng
sau dày đặc, một cây điều có đến vài trăm con sâu, chúng cắn hoa điều
rụng kín mặt đất, nhìn mà xót hết cả ruột. Nếu không có sâu, khoảng gần
một tháng nữa là thu hoạch được rồi, giờ thế này thì điều đâu ra mà nhặt
nữa…”.
Vườn điều nhà anh Nguyễn Văn Thuấn bị cháy ngọn không thể ra hoa vì bọ xít muỗi tấn công.
Ảnh: Đăng Nhật
Ảnh: Đăng Nhật
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở nhiều nơi nông dân đã không còn mặn mà với cây điều nữa, do giá cả bấp bênh suốt thời gian dài. Có thời điểm, 1kg điều tươi loại đẹp chỉ được bán với giá 15.000 – 30.000 đồng, có năm tụt xuống còn 8.000 đồng/kg, trong khi đó 1ha điều trung bình mỗi năm chỉ cho thu hoạch 2,5 - 3 tạ, vì vậy người dân gần như không có lãi. Tình trạng sâu bệnh liên tục phá hoại không có cách chữa trị khiến cho bà con nông dân vô cùng chán nản, bỏ mặc vườn điều.
Đồng
cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Thuấn (trú tại điểm 9) cũng buồn bã cho biết:
“Nhà tôi có 18ha điều thì có đến 15ha bị bọ xít muỗi phá hoại hoàn toàn.
Loại bọ xít này đậu vào ngọn điều rồi hút hết dưỡng chất nên giờ ngọn
nào ngọn nấy khô khốc như bị cháy”. Anh Thuấn cho hay, các diện tích bị
phá hoại chủ yếu là điều mới trồng được gần 5 năm và mới chỉ thu hoạch
được một vụ; còn vụ trước hoàn toàn thất thu.
Theo
quan sát của chúng tôi, dọc theo chân núi ở xã Uar, hàng chục ha điều
của các hộ nông dân khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Cả cây điều
chỉ lơ thơ vài ngọn có thể ra hoa.
Anh
Thuấn cho biết thêm, sau khi trời hết mưa vào khoảng tháng 11 âm lịch
năm ngoái thì bọ xít muỗi xuất hiện nhiều một cách bất thường. Các năm
trước, chúng cũng từng xuất hiện nhưng nhà nông chỉ cần phun thuốc trừ
sâu là hết. Nhưng năm nay, cũng loại thuốc đó, phun đến 3 đợt tốn gần 50
triệu đồng rồi mà bọt xít vẫn cứ phá hoại, không biết cách nào cứu
được.
Trong
câu chuyện với chúng tôi, anh Thuấn cứ thở dài: “Điều mới trồng bị sâu
bệnh hại đến hơn 90%, còn những cây điều trồng gần 15 năm cũng bị hại
khoảng trên dưới 50%. Vay vốn ngân hàng để đầu tư hơn 500 triệu đồng vào
vườn điều này rồi, giờ tôi không biết lấy tiền đâu để trả lãi ngân
hàng”.
Theo
người trồng điều, diễn biến thất thường của thời tiết đã dẫn đến tình
trạng các loài sâu hại phá hoại trên cây điều có cơ hội hoành hành. Chưa
hết, những ngày vừa qua, tại Krông Pa đã liên tục xuất hiện những cơn
mưa bất chợt với lượng nhỏ sau đó trời lại trở nắng. Điều này khiến
không khí trở nên nóng ẩm, tạo thêm điều kiện cho các loại sâu bệnh gây
hại phát triển mạnh hơn.
Nguy cơ xoá sổ “vựa” điều?
Trao
đổi với phóng viên, ông Nguyễn Nam Long – Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực
vật huyện Krông Pa cho biết: “Hiện đơn vị đã thống kê được khoảng gần
100ha điều bị bọ xít muỗi phá hại. Ngoài ra, cây điều trên địa bàn còn
bị bệnh thán thư và sâu cắn phá. Chúng tôi đã ra văn bản cảnh báo và
hướng dẫn người dân cách phòng trừ sâu bệnh, đề xuất lên UBND huyện để
tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Thực sự chúng tôi đã
làm hết cách rồi, song sâu bệnh vẫn chưa ngừng gây hại nhiều diện tích
điều của nông dân”.
Điều bị bọ xít muỗi gây hại nên chất lượng quả rất thấp.
Ảnh: Thuận Hải
Ảnh: Thuận Hải
Được
biết, tỉnh Gia Lai có hơn 20.000ha điều, trong đó, huyện Krông Pa là
vùng trọng điểm canh tác cây điều với tổng diện tích 4.597ha. Tại các
địa bàn khác như Lâm Đồng, Đăk Nông, do sâu bệnh hoành hành nên nhiều
diện tích điều của bà con cũng bị mất trắng. Đơn cử như tại huyện Krông
Nô, nơi có diện tích điều tương đối lớn của tỉnh Đăk Nông với hơn
3.600ha, sâu bệnh cũng đang gây hại trơ trụi nhiều vườn điều, ước tính
năng suất giảm khoảng 60 – 70%, thậm chí có vườn mất trắng. Tại các vùng
trồng điều khác như Cư Jút, Tuy Đức, Đăk R’lấp, tình hình cây điều cũng
không mấy khả quan.
Theo
Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở NNPTNT tỉnh Đăk Nông), thời gian qua do
thời tiết diễn biến bất thường, mưa trái mùa, ngày nắng, đêm về sáng sớm
lại có sương mù nên bọ xít muỗi và bệnh thán thư phát triển mạnh tại
các vùng trồng điều, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Đáng buồn là
có nhiều diện tích trồng điều mới, chưa thu được quả nào đã bị sâu bệnh
tấn công, khiến nông dân vô cùng chán nản.
Cảnh một vườn điều trơ trụi, cháy xém vì bị bọ xít muỗi và bệnh thán thư gây hại tại Lâm Đồng.
Ảnh: Báo Thanh niên
Ảnh: Báo Thanh niên
Anh
Nông Văn Tường ở xã Ea Rvê, huyện Ea Súp (Đăk Lăk) thông tin, nhà anh
vừa trồng lại 1ha điều được 2 năm tuổi. Trước đó, năm 2003 gia đình từng
trồng tới 3ha điều nhưng do năng suất thấp, giá bán bấp bênh, có lúc
chỉ còn 10.000 – 15.000 đồng/kg nên anh đã phá bỏ để trồng sắn. Đến năm
2014, thấy giá điều tăng mạnh nên anh đã trồng lại 1ha. Tuy nhiên, trước
tình hình sâu bệnh hại điều dữ dội như hiện nay, anh Tường cũng như
nhiều nông dân khác băn khoăn không biết mình có thể cầm cự giữ cây điều
được trong bao lâu.
Mới
đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phải công bố dịch bọ xít muỗi hại cây điều ở 3
huyện phía nam của tỉnh gồm Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Qua thống kê
sơ bộ, đến nay toàn bộ 27.834ha diện tích điều của ba huyện này bị nhiễm
bọ xít muỗi, trong đó có đến 16.709ha nhiễm nặng, 9.243ha nhiễm trung
bình và 1.882ha nhiễm nhẹ; mật độ bọ xít muỗi trung bình từ 1,7 – 4
con/chồi, tỷ lệ hại từ 37,4 – 100%. Riêng huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh có
100% diện tích điều nhiễm bọ xít muỗi từ trung bình đến nặng.
(Nguồn Tây Đô)