Mô hình mới ở Bình Phước: Trồng trôm làm trụ tiêu
Sau nhiều năm tìm hiểu về đặc tính của tiêu và trôm trên đất Bình Phước, anh Trần Văn Minh ở tổ 3, khu phố An Bình, phường An Lộc, TX. Bình Long (Bình Phước) đã tìm ra được hướng đi mới cho vườn tiêu của gia đình, đó là trồng cây trôm làm trụ sống cho dây tiêu.
Anh Minh tỉa lá cho vườn trôm làm nọc sống cho dây tiêu một năm tuổi
Trước
đây, nông dân thường dùng các cây keo, anh đào và lộc mức làm trụ sống
cho dây tiêu. Do đặc tính của các loại cây này là mang nhiều mầm bệnh,
nấm lá, nấm thân nên sâu bệnh dễ lây lan và gây hại vườn tiêu, nhiều hộ
bị chết cả vườn cây. Hơn nữa, cây keo khá nhiều hạt, sau mỗi mùa rụng
xuống, hạt keo mọc nhiều cây con, tốn công làm cỏ và chăm sóc cho vườn
tiêu.
Cách
đây một năm, gia đình anh Minh quyết định dùng cây trôm làm trụ sống cho
3 sào tiêu. Trôm hiện sinh trưởng tốt, tán lá đều, cây mọc thẳng, giúp
dây tiêu dễ bám và phát triển mạnh.
Chia sẻ
với chúng tôi về ưu điểm của cây trôm, anh Minh cho biết: Sau nhiều năm
học hỏi và tìm hiểu, tôi quyết định dùng trôm làm trụ sống cho dây tiêu
vì đặc tính của trôm là nhanh lớn, lên thẳng, ít sâu bệnh, dây tiêu dễ
bám, tán lá chia đều, ít phải tạo tán phát cành, phù hợp che mát cho
tiêu. Rễ của cây trôm mềm và ít tranh dinh dưỡng với cây tiêu, lá trôm
khi tỉa xuống còn có thể dùng làm phân xanh rất tốt cho tiêu.
Ngoài
việc thích hợp với làm trụ sống cho tiêu, cây trôm còn đem lại hiệu quả
kinh tế cho gia đình. Khi cây đạt đường kính từ 20cm trở lên, có thể cho
thu hoạch mủ. Mủ trôm dùng làm nước uống giải khát rất tốt. Mủ trôm
nguyên chất chứa nhiều khoáng chất như Mg, K, Zn, Fe, Na và Ca ở dạng
hữu cơ, giúp thanh nhiệt cơ thể, chống lão hoá, tiêu chảy, đặc biệt, trị
táo bón rất tốt. Giá mủ trôm trên thị trường hiện ở mức 300.000-400.000
đồng/kg mủ khô. Bên cạnh đó, cuống lá của cây còn có thể nấu nước uống
thường xuyên, giúp hạ nhiệt, giảm huyết áp.
Từ
thành công của anh Minh, các hộ trong khu phố An Bình đã mạnh dạn đặt
giống cây trôm để trồng cho vườn tiêu nhà mình. Anh Phạm Công Hoà, ở tổ
7, cho biết: Nghe tin gia đình anh Minh chuyển đổi cơ cấu cây trồng,
dùng cây trôm làm trụ sống cho tiêu khá hiệu quả, tôi quyết định mua hơn
200 cây trôm về trồng thử để mùa sau xuống dây tiêu. Hiện cây trôm
giống phát triển nhanh và tốt, thân cây chắc khoẻ, ít sâu bệnh, chỉ đầu
mùa mưa năm sau là dây tiêu có thể bám lên trụ sống, không cần mua lưới
che và nọc giả, giúp tiết kiệm hơn một nửa chi phí sản xuất so với việc
trồng nọc giả và các loại cây nọc sống khác.
Sử dụng cây trôm làm trụ cho tiêu giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, cần được nhân rộng
(Theo Tây Đô)