Bệnh bạc lá rầm rộ tấn công lúa mùa
Trước tình trạng bệnh bạc lá lây lan rộng, khiến khoảng 57.000ha lúa mùa tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc bị thiệt hại nặng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đã có ý kiến đề nghị lãnh đạo các tỉnh vào cuộc chỉ đạo giải quyết, khắc phục.
Dịch bệnh đã đến mức nguy cấp
Theo tổng hợp báo cáo từ các địa phương, bệnh bạc lá lúa đã lây lan nhanh chóng, khiến hàng chục nghìn ha lúa mùa ở miền Bắc bị thiệt hại. Trong đó, những nơi bị thiệt hại nặng là Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nội. Dự báo bệnh bạc lá tiếp tục có nguy cơ lây lan trên diện rộng trong thời gian tới, chưa kể một số loại sâu bệnh hại khác như rầy nâu, sâu đục thân, sâu cuốn lá cũng đang phát sinh gây hại, tàn phá mùa màng.
Người dân các xã của Hà Nội đang tích cực phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa mùa. Ảnh: Trần Quang
“Ngày
27.8, các địa phương báo cáo mới chỉ có hơn 10.000ha lúa bị hại nhưng
đến nay diện tích đã tăng đến trên 57.000ha (tăng cao hơn nhiều so với
năm 2015 và các năm trước). Nếu các địa phương không vào cuộc quyết liệt
nhanh chóng, diện tích thiệt hại sẽ còn tăng nhanh” – Thứ trưởng Bộ
NNPTNT Lê Quốc Doanh lo ngại.Cũng theo Thứ trưởng Doanh, do diễn biến thời tiết phức tạp, ngoài bệnh bạc lá đang hoành hành, các loại sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu... cũng đang nở rộ và phá hại lúa.
Trước tình hình nguy cấp đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị lãnh đạo các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc cần vào cuộc quyết liệt để cứu lúa. Cùng với đó, các cơ quan liên quan như Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Trung tâm Khuyến nông quốc gia cần gấp rút phối hợp với các địa phương trên để có biện pháp thích hợp phòng trừ sâu, bệnh hại đang lan rộng.
Ông Bùi Sỹ Doanh – Phó Cục trưởng Cục BVTV cho rằng: “Với tình hình bệnh bạc lá hại lúa mùa nghiêm trọng như hiện nay, việc đầu tiên các địa phương cần làm là phải theo dõi diễn biến và làm theo hướng dẫn của Cục Trồng trọt để xử lý hiệu quả. Đặc biệt, các tỉnh phải vào cuộc ngay trong khâu tuyên truyền, ngăn chặn và khuyến cáo bà con không bón phân hay phun thuốc kích thích tăng trưởng cho lúa, bởi điều này chỉ làm cho bệnh càng trầm trọng thêm”.
Tăng cường phòng trừ cuối vụ
Ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, đơn vị vừa có công văn gửi Sở NNPTNT các tỉnh, thành phía Bắc về việc tập trung chăm sóc và bảo vệ lúa vụ hè thu, vụ mùa và chuẩn bị vụ đông.
Ông Định cho biết thêm, để đảm bảo sản xuất lúa thắng lợi, hạn chế tối đa thiệt hại do sâu bệnh và điều kiện bất thuận của thời tiết, Cục Trồng trọt đề nghị Sở NNPTNT các tỉnh, thành phía Bắc tập trung cao độ chỉ đạo tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tuyệt đối không bón bổ sung đạm đơn cho lúa, tập trung bón thúc kali cho diện tích lúa mới bước vào phân hóa đòng để tránh gây tình trạng non hóa bộ lá, nhất là lá công năng, bởi khi gặp mưa rào, gió mạnh lá dễ bị tổn thương và là cơ hội để bệnh bạc lá phát sinh, lây lan gây hại mạnh.
Với diện tích lúa đã có triệu chứng bệnh bạc lá (lá bị khô cháy chóp lá và 2 bên mép lá), tuyên truyền nông dân sử dụng một số loại thuốc đặc hiệu, phun theo hướng dẫn của ngành BVTV. Tuyệt đối không sử dụng thuốc tràn lan, kết hợp nhiều loại thuốc với phân qua lá gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, bà con cần thực hiện tốt kỹ thuật tưới “nông, lộ, phơi” nhằm hạn chế lúa đẻ nhánh lai dai làm giảm hiệu quả phân bón do phải nuôi các dảnh vô hiệu, đồng thời tạo điều kiện cho rễ lúa ăn sâu, cứng thân, dày lá, hạn chế đổ ngã. “Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết để có biện pháp ứng phó kịp thời” – ông Định nhấn mạnh.
Theo ông Định, đây là thời kỳ quan trọng có tính quyết định đến năng suất của lúa vụ hè thu, mùa, vì vậy các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tập huấn và cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, dịch hại, sinh trưởng của cây trồng, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật phòng trừ, ngăn chặn hiệu quả dịch hại.
Theo hướng dẫn của Cục Trồng trọt: Các địa phương cần rà soát điều chỉnh kế hoạch sản xuất gieo trồng cây vụ đông, cân đối diện tích đất lúa, đất chuyên màu để bố trí nhóm cây ưa ấm, ưa lạnh cho phù hợp kế hoạch đề ra. Tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh, gọn trà lúa vụ hè thu, mùa sớm theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, thu lúa đến đâu trồng rau màu ngay đến đó. Ưu tiên mở rộng tối đa diện tích ngô, đậu tương, đặc biệt trên đất 2 lúa, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo hướng an toàn và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
(Nguồn TÂY ĐÔ)