Nông dân chế tạo máy nông nghiệp xuất khẩu
Anh Nguyễn Hồng Chương (41 tuổi, trú tại xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng), nông dân chưa học hết lớp 8 trường làng vừa ghi thêm vào bộ sưu tập sáng chế máy nông nghiệp của mình loại máy xử lý cà chua sau thu hoạch.
Máy đào khoai tây đa năng của anh Thành.
Để giảm tải công đoạn sau thu hoạch, anh Chương nghiên cứu chế tạo ra loại máy 4 trong 1: Rửa, phân loại, hong khô và đánh bóng quả cà chua. Máy có hình chữ L, gồm thùng đựng cà chua thô, một băng chuyền tự động lấy cà chua từ thùng này chuyển tới bộ phận sàng lọc, tách bỏ các loại chất thải dính trên quả như lá, cuống, rác…
Cà chua tiếp tục được chuyển tới dụng cụ chứa nước để rửa sạch rồi theo băng chuyền tới bộ phận sấy (nơi gắn một chiếc quạt có công suất lớn) và đánh bóng, phân loại theo kích cỡ, sau đó được đẩy ra ngoài qua các máng trượt. Trong vòng 8 giờ mỗi máy có thể xử lý 20 tấn cà chua.
“Với lượng cà nói trên, nếu làm bằng thủ công phải thuê tới 20 người. Nay nhờ có chiếc máy của anh Chương, chỉ cần bố trí 4 người đóng cà chua vào thùng là có thể đưa đi tiêu thụ”, chủ vựa rau Thanh Hương ở Lạc Lâm, Đơn Dương nói. Anh Chương cho biết đã bán hàng chục chiếc máy loại này với giá 110 triệu đồng/máy. Máy nào không có bộ phận rửa thì giá giảm còn 85 triệu đồng. Nhiều chủ vựa nông sản ở Đơn Dương và các huyện thành lân cận như Đức Trọng, Đà Lạt tìm đến đặt hàng nhưng anh chưa có máy để cung ứng.
Như vậy, gần 10 năm nay, anh Chương sáng chế 5 loại máy nông nghiệp và cải tiến 3 nông cụ cơ giới khác. Anh đã đạt 3 danh hiệu và giải thưởng gồm Tài năng trẻ toàn quốc, giải thưởng Lương Định Của và điển hình sáng tạo Việt Nam; được Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT tặng bằng khen.
Anh đã xây dựng xưởng cơ khí rộng hơn 1.000m2 với đầu tư hàng chục tỷ đồng, ước mơ cháy bỏng từ thuở còn cơ hàn. Từ cơ sở này, cả ngàn máy nông nghiệp đã được chế tạo, xuất bán đi nhiều tỉnh thành trong nước. Đặc biệt, anh đã xuất hàng chục máy gieo hạt chân không, máy đóng đất vô chậu và máy đóng đất vô vỉ xốp sang các nước Malaysia, Singapore, Đài Loan, Campuchia...
Sáng chế máy đào khoai tây đa năng
Một nông dân khác ở thành phố Đà Lạt cũng mới học đến lớp 8 nhưng đã sáng chế chiếc máy đào khoai tây đa năng, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền Minh Thành Tài. Anh là Phạm Minh Thành, 42 tuổi, trú tại đường Nguyễn Siêu, phường 7. Mới học đến lớp 8, Thành đã phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ làm vườn, sau đó tranh thủ học thêm nghề cơ khí. Năm 1994, anh mở xưởng cơ khí nhỏ để sửa chữa máy móc.
Vùng đất anh sinh sống chuyên trồng khoai tây. Khâu thu hoạch tốn rất nhiều công sức trong khi việc thuê nhân công đào bới không dễ dàng, nhất là vào mùa khoai tây chính vụ. Một lần xem truyền hình, thấy người nước ngoài sử dụng máy đào củ khá tiện lợi, anh Thành bèn nghiên cứu chế tạo máy bằng những nguyên liệu sẵn có hoặc dễ tìm như sắt thép, lưỡi cày, trục lăn, bạc đạn, băng chuyền, nhíp cũ của xe ô tô…
Sau một tháng, chiếc máy thành hình nặng khoảng 200kg với hệ thống lưỡi cày để xới đất và một băng chuyền rộng khoảng 1m (bằng với luống khoai), được gắn với đầu máy cày để có thể di chuyển. Qua chuyển động của trục láp, chiếc lưỡi cày được điều khiển với tốc độ nhanh, chậm khác nhau để múc sâu xuống đất khoảng hơn 30cm, rồi chuyển lên băng chuyền gạt hết phần đất để lấy củ. Tuy nhiên khi đưa ra thử nghiệm thực tế thì nhiều củ khoai bị cắt bởi lưỡi cày.
Anh phải nhiều lần chỉnh sửa các chi tiết kỹ thuật để hạn chế lỗi. Sau gần một năm, chiếc máy mới được hoàn thiện và hoạt động khá hoàn hảo. Củ khoai khi đào không còn bị sót, kể cả những củ rất nhỏ, không bị trúng lưỡi sắt gây sứt sẹo hoặc trầy xước.
Nhờ thiết kế linh hoạt, có thể điều chỉnh lưỡi cày nằm nghiêng hoặc nâng lên, hạ xuống cho phù hợp nên máy có thể hoạt động trên mọi địa hình. Không chỉ đào khoai tây, máy còn có thể đào khoai lang, củ hoa lily và lay ơn, bứng gốc bắp cải... Tốc độ hoạt động của máy khá nhanh, cứ ba giây đào được 1m đất, mỗi giờ đào hơn 3,5 tấn khoai tây.
Tiếng lành đồn xa, nông dân của nhiều tỉnh thành đến tham quan và đặt hàng. Đến nay, anh đã bán được hơn 200 giàn máy đào với giá trên dưới 20 triệu đồng/máy. “Vốn đầu tư một cỗ máy thu hoạch khoai tây khoảng 70 triệu đồng gồm giàn máy đào hiệu Minh Thành Tài 20 triệu đồng và chiếc máy cày giá 50 triệu đồng. Hết mùa thu hoạch khoai tây thì tháo giàn máy đào ra và sử dụng máy cày cho việc khác, rất tiện lợi. Nếu dùng cuốc, nỉa thì 1ha khoai tây phải mất hàng chục công thu hoạch, còn với cỗ máy này chỉ cần một người điều khiển nên tiết kiệm được rất nhiều công lao động”, anh Nguyễn Kim Quý (Phường 7, Đà Lạt) nói.
Nguồn: Tây Đô