Tây Nguyên: Hạn hán trên diện rộng, nhiều cây trồng có nguy cơ cháy khô
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mùa mưa năm 2015 kết thúc sớm cùng với lượng mưa ít khiến mực nước tại các hồ chứa, sông suối trên địa bàn Tây Nguyên sụt giảm nghiêm trọng. Theo dự báo, trong thời gian tới, khu vực này có nguy cơ đối mặt với nạn khô hạn khốc liệt nhất trong lịch sử từ trước tới nay.
Theo
báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, tình hình hạn hán ở khu vực này đang
diễn ra trên diện rộng, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp. Theo
thống kê sơ bộ đến cuối tháng 2/2016, toàn vùng đã có trên 2.860ha lúa
phải dừng sản xuất, trên 1.000ha lúa có nguy cơ mất trắng và trên
40.000ha cây trồng thiếu nước tưới nghiêm trọng, trong đó chủ yếu là cây
cà phê và hồ tiêu. Dự báo trong 2 tháng tới, nền nhiệt ở Tây Nguyên cao
hơn trung bình nhiều năm, dự báo tình hình khô hạn sẽ khốc liệt hơn.
Nhiều khả năng các hồ chứa thủy điện lớn Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk mực
nước giảm xuống rất thấp và không đủ nước chạy máy. Ngoài thiếu nước
tưới, nhiều hộ gia đình ở các vùng nông thôn sẽ đối mặt với nguy cơ
thiếu nước sinh hoạt, gia súc không đủ nước uống, hạn hán kéo dài cũng
sẽ làm tình hình cứu đói giáp hạt ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào
dân tộc thiểu số tăng lên. Và theo dự báo hạn hán sẽ tiếp tục kéo dài
đến giữa năm 2016.
Các hộ dân ở huyện Cư M’gar, Đắk Lắk tiếp tục khoan giếng tìm nguồn nước
Tính
riêng địa bàn tỉnh Đắk Lắk, vụ đông xuân 2015-2016 có khoảng 70.000ha
diện tích cây trồng bị hạn, trong đó chủ yếu là diện tích cà phê ở những
vùng hiếm nước và một số diện tích lúa nước khu vực cuối nguồn của các
công trình thủy lợi hoặc khu tưới của các hồ chứa nhỏ bị khô cạn sớm;
khoảng 25.000 hộ dân đứng trước nguy cơ bị thiếu nước sinh hoạt. Nhiều
địa phương như huyện Buôn Đôn, Ea Súp, M’Drăk, Ea H’Leo, Cư M’Gar...
thiếu nước sản xuất trầm trọng. Nhiều diện tích cây cà phê, hồ tiêu của
người dân đã bị khô héo. Để đối phó với tình trạng này, nhiều hộ dân
đang tiếp tục khoan giếng, ngăn đập để tìm nguồn nước. Riêng huyện Cư
M’gar, hiện hầu hết các hồ đập, sông, suối đều cạn nước. Có thể nói,
trong những năm qua, chưa bao giờ địa phương này phải đối mặt với hạn
hán nghiêm trọng như năm nay.
Ông
Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cư M’gar cho biết: Địa
phương đã chủ động trích khoảng 500 triệu đồng từ ngân sách dự phòng để
đầu tư khoan 5 giếng nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, khắc
phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt trước mắt. Bên cạnh đó, huyện cũng
đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk và các ngành chức năng hỗ trợ kinh phí để sửa
chữa, nạo vét kênh mương thủy lợi; hỗ trợ dầu tưới chống hạn cho cây
lúa, xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu của người
dân. Hiện nay, huyện Cư M’gar vẫn chưa thống kê hết những thiệt hại do
hạn hán gây ra trong năm nay. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Mười,
trong vòng nửa tháng tới, trên địa bàn huyện sẽ có khoảng 30% diện tích
cà phê thiếu nước tưới, tương đương với khoảng 10.000ha nếu trời vẫn
không có mưa.
Theo
các cơ quan chức năng, nguyên nhân khách quan dẫn đến hạn hán trên diện
rộng tại khu vực Tây Nguyên là do ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí
hậu Elnino 2016. Phần vì diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, mạch nước
ngầm cũng như nước từ các lưu vực sông suối ngày càng khan hiếm, hậu quả
tất yếu từ việc khai thác rừng bừa bãi, phát rừng làm nương rẫy. Mặt
khác mực nước ở các sông suối ngày càng cạn kiệt, không đảm bảo cung cấp
nước cho các hồ chứa, các công trình thủy lợi trong khi hệ thống thủy
điện trên các con sông lớn dày đặc, tích nước đầu nguồn hoặc làm thay
đổi dòng chảy. Bên cạnh đó, một phần do địa hình đặc thù của vùng Tây
Nguyên không bằng phẳng nên việc dẫn nước hoặc xây dựng các công trình
thủy lợi không phát huy hết năng lực tưới tiêu phục vụ nông nghiệp. Việc
xây dựng các kênh mương dẫn nước gặp rất nhiều khó khăn, mùa mưa thì
lượng nước từ đầu nguồn rừng núi đổ về mạnh, dồn dập, làm xói mòn, hư
hỏng hệ thống kênh mương, hồ đập, trong khi kinh phí địa phương không
đảm bảo khắc phục sửa chữa kịp thời mà phải chờ ngân sách Trung ương. Và
một nguyên nhân khác nữa là do ý thức của người dân chưa cao, việc
khoan giếng bừa bãi, sử dụng nước tưới một các bất hợp lý, không biết
điết điều tiết nguồn nước tưới hiệu quả cũng dẫn đến cạn kiệt nguồn nước
ngầm.
Dự báo
đến cuối tháng 3/2016, tình hình khô hạn sẽ xảy ra trên diện rộng với
mức độ gay gắt, khốc liệt. Nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn Tây
Nguyên đang đứng trước nguy cơ mất trắng nếu không sớm có giải pháp khắc
phục.
(Tin Tây Đô - Nguồn: kinhtenongthon.com.vn)