Chất đất phù sa màu mỡ vùng bãi bồi sông Hồng là một trong những yếu tố quan trọng tạo vị ngọt, giòn đặc biệt cho những quả ổi Cự Khối.
Nhiều
năm về trước, thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng của địa
phương, một số nông dân phường Cự Khối (Long Biên, Hà Nội) đã đem giống
ổi găng về trồng trên vùng đất bãi. Đây là loại cây ăn quả dễ trồng, lại
hợp đất phù sa sông Hồng và khí hậu của vùng đất Cự Khối nên phát triển
nhanh và cho nhiều quả.
Hiện
nay, ổi găng trở thành cây ăn quả chủ lực của địa phương và được bà con
Cự Khối trồng theo quy trình an toàn VietGAP với diện tích mở rộng
khoảng 200ha. Để có được những vựa ổi ngon, sạch, bà con thực hiện quy
trình trồng ổi theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Thay vì dùng hóa chất để
chăm sóc, hạn chế sâu bệnh cho cây, bà con sử dụng các biện pháp thủ
công hoặc dùng chế phẩm vi sinh, an toàn đối với cả cây trồng và môi
trường.
Những cành ổi sai trĩu quả tại Cự Khối, Hà Nội. Ảnh: VietGAP.
|
Ở giai
đoạn khi ổi ra quả và đạt đường kính 3cm, bà con dùng túi xốp hoặc túi
nilon sạch bọc quả lại cho tới ngày thu hoạch. Việc này giúp quả ổi cách
ly với các loại côn trùng, sâu bệnh, đồng thời, giảm tác động xấu của
môi trường, khí hậu từ bên ngoài.
Ngoài
ra, với những trái ổi hỏng, người trồng gom lại rồi cho lên men vi sinh,
tự ủ thành phân bón hữu cơ cho cây. Sau khoảng 2-4 tuần, phân này có
thể được đem bón gốc. Do vậy, cây ổi Cự Khối hầu như cách ly được tối đa
sự ảnh hưởng từ các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.
Vào vụ
thu hoạch, sau khi hái từ trên cây xuống, ổi được đem đi tiêu thụ luôn
trong ngày. Trong điều kiện bảo quản bình thường, quả ổi Cự Khối chỉ để
được 2-4 ngày là chín mềm và màu sắc cũng thay đổi. Đây vừa là lợi thế
và cũng là bất lợi cho ổi Cự Khối vì khó có thể tới được tay người tiêu
dùng ở các tỉnh xa.
Hiện
nay, ổi Cự Khối chủ yếu được tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc gần Hà Nội như
Bắc Ninh, Nam Định... Trong tương lai, bà con Cự Khối mong muốn tìm
được nhiều đầu ra cho giống ổi địa phương
(Nguồn Tây Đô)