'Cuộc cách mạng' của loại cây tỉ đô ở Việt Nam
Trong 10 năm qua, sắn trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 3 trong ngành trồng trọt của Việt Nam, sau gạo và cà phê với giá trị từ 1,3-1,5 tỉ USD. Việc trồng sắn tại Việt Nam trong những năm qua đã thay đổi đáng kể. Từ năm 1975 đến năm 2000, năng suất sắn trong nước dao động từ 6 – 8 tấn/ha và cũng chỉ được trồng chủ yếu làm thức ăn cho người và gia súc.
Việc trồng sắn tại Việt Nam đã thay đổi đáng kể trong những năm qua nhờ khoa học công nghệ. Ảnh: CIAT. |
Từ năm 1988, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) và các đối tác Việt Nam, Thái Lan, các nhà khoa học đã cho ra đời các giống sắn mới có năng suất cao.
Từ năm 2000 đến năm 2014, diện tích trồng sắn đã tăng gấp đôi từ 237.600 ha lên 560.000 ha. Còn năng suất sắn đã tăng hơn gấp đôi, tăng từ 6 – 8 tấn/ha lên 19 tấn/ha vào năm 2015.
“Cuộc cách mạng trong sản xuất sắn ở Việt Nam” là chủ đề bài trình bày của GS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại Hội nghị Toàn cầu về cây trồng lấy rễ và củ tại Trung Quốc diễn ra cuối tháng 1 vừa qua.
Thiếu vốn đầu tư cho nghiên cứu
Tại nhiều khu vực ở Đông Nam Á như Indonesia, Philipin và một số cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi nơi các loại cây trồng khác khó phát triển, sắn vẫn được dùng làm cây lương thực chính.
Theo ước tính, khoảng khoảng 200 triệu nông dân nghèo ở các nước đang phát triển trên toàn thế giới dựa vào các loại cây có củ để đảm bảo an ninh lương thực và tăng thu nhập.
Châu Á hiện đang là nhà cung cấp lớn nhất thế giới về sắn và các sản phẩm từ sắn.
Nhu cầu toàn cầu đối với sắn đang tăng cao, mang theo một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô-la. Thị trường đang phát triển này mang đến cơ hội tuyệt vời để các nông hộ nghèo cải thiện thu nhập từ một loại cây trồng đòi hỏi ít đầu tư mà lại có thể sinh trưởng trong điều kiện đất xấu.
Thế nhưng chương trình an ninh lương thực của khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện nay lại tập trung chú trọng vào các cây ngũ cốc, gạo và lúa mì, bỏ qua thực tế rằng sắn – và các loại cây có củ khác – đang là nguồn lương thực chính cho hàng triệu hộ nông dân nghèo.
Bởi việc đầu tư vào các nghiên cứu về cây có củ là vô cùng quan trọng, Hội nghị Toàn cầu về Cây trồng lấy rễ và củ tại Trung Quốc là cơ hội để tăng cường nhận thức về lợi ích của sắn đồng thời thảo luận các biện pháp để tăng lượng đầu tư trong lĩnh vực này và đảm bảo rằng các nông hộ nghèo được hưởng nhiều lợi ích từ các kĩ thuật cải tiến hơn trong tương lai
(Tin Tây Đô - Nguồn Vietnamnet.vn)