450 triệu USD trồng 19 ngàn ha sâm Ngọc Linh
Phó
Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa đồng ý với đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam về
việc triển khai Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt
Nam) đến năm 2030.Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam lựa chọn danh mục, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án thuộc Đề án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh Quảng Nam, trong đó ưu tiên đầu tư vào các nội dung thiết yếu không có khả năng xã hội hóa, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định theo quy định.
Trước đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ để đăng ký quyền quản lý chỉ dẫn địa lý sản phẩm sâm Ngọc Linh - Panax vietnamensis Ha et Grushv (tức là xin đăng ký bảo hộ thương hiệu sâm Ngọc Linh - Quảng Nam).
Đề án phát triển cây sâm Việt Nam có tổng nguồn kính phí đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, tương đương 450 triệu USD để phát triển vùng sâm chuyên canh 19.000 ha, tại 7/10 xã của huyện Nam Trà My. Trong đó, kinh phí kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.
Vườn sâm Ngọc Linh giống của người dân Măng Lùng, xã Trà Linh (Nam Trà My)
|
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, sâm Ngọc Linh hiện có giá trị kinh tế rất cao, khoảng 20-50 triệu đồng/kg (tùy theo độ tuổi của sâm), trong khi đó, 1kg sâm tươi Triều Tiên chỉ có giá khoảng 4 triệu đồng. Nhu cầu tiêu dùng sâm Ngọc Linh ngày càng lớn và không còn trong phạm vi trong nước, mà còn cung cấp cho một số thị trường nước ngoài.
Chỉ cần đầu tư khoảng hơn 3 tỷ đồng để trồng 1 ha sâm Ngọc Linh, sau 5 năm, với giá thấp nhất của sâm trồng chưa đủ tuổi là 15 triệu đồng/kg thì 1 ha đã cho 30 tỷ đồng. Theo lãnh đạo tỉnh, đây là cây siêu lợi nhuận.
Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực, dành kinh phí hàng năm để phát triển cây sâm Ngọc Linh.
Hiện có một số đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh như: Trại sâm giống Tắk Ngo, Thôn 2 xã Trà Linh, do huyện Nam Trà My quản lý với hơn 20.000 cây sâm giống 2 năm tuổi; Trại dược liệu Trà Linh do UBND tỉnh Quảng Nam quản lý với tổng diện tích 7,127 ha và tổng số 167.658 cây ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Sâm Ngọc Linh là loại cây dược liệu đặc thù, hiện nay mới chỉ phát hiện phân bố trên vùng sinh thái hẹp, dưới các tán rừng nguyên sinh quanh đỉnh núi Ngọc Linh, thuộc địa phận của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; Đắk Glei và Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.
(Tin Tây Đô - Nguồn: Vietnamnet.vn)