Tái cơ cấu nông nghiệp trên vùng hạn - cách làm mới từ Ninh Thuận
Trên những vùng đất cát mênh mông đầy nắng gió của Ninh Thuận, giờ đây đã mọc lên nhiều trang trại cây đặc sản chịu hạn xanh mát mắt.
Hậu quả khắc nghiệt do hạn hán gây ra cho ngành nông nghiệp những năm gần đây, đã đem lại bài học kinh nghiệm đắt giá cho tỉnh Ninh Thuận trong việc quy hoạch cũng như tổ chức lại sản xuất.
Bài học đầu tiên của Ninh Thuận là các loại cây đặc sản đưa vào sản xuất ngoài giá trị kinh tế cao phải có khả năng chịu hạn. Qua thực tế cho thấy, nho rượu, măng tây xanh, táo cao sản; xoài, mít, bưởi, chôm chôm, mãng cầu gai, măng cụt là các loại cây trồng đặc sản đáp ứng được yêu cầu nói trên của Ninh Thuận hiện nay. Sau đỉnh hạn năm 2015, ngành nông nghiệp tỉnh đã quy hoạch vùng theo hướng phát triển các loại cây đặc thù nói trên.
Trên những vùng đất cát mênh mông đầy nắng gió của Ninh Thuận, giờ đây đã mọc lên nhiều trang trại cây đặc sản chịu hạn xanh mát mắt. Trang trại măng tây xanh của Hợp tác xã măng tây xanh thông Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước do ông Hùng Ky, một nông dân Chăm làm chủ nhiệm khiến mọi người ngỡ ngàng vì quy mô lên tới gần 40ha, chiếm 80% diện tích trồng măng tây xanh của toàn tỉnh.
Măng tây là loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng khá cao, có thể trồng được trên đất pha cát nhiễm mặn, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
“Nông dân Ninh Thuận khai thác vùng đất cát cực kỳ khó khăn, nhất là những năm hạn hán. Gia đình đã phải khắc phục bằng khoan giếng để lấy nước tưới sao cho phủ xanh vùng đất cát, từ đó mới thành công”, ông Ky chia sẻ.
Trung bình mỗi ha măng tây xanh trong thời kỳ thu hoạch, sau khi trừ các chi phí, người nông dân sẽ có lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Do trồng măng tây xanh cho thu nhập cao, đã có khá nhiều hộ nông dân ở đây đang chuyển qua trồng loại cây này, diện tích vì thế ngày càng được mở rộng.
Hiện nay, măng tây xanh được trồng chủ yếu ở Phan Rang – Tháp Chàm; huyện Ninh Phước, huyện Ninh Hải. Ngoài măng tây xanh, bà con ở các huyện bị khô hạn cũng đang ưu tiên phát triển trồng táo cao sản. Táo được trồng thành giàn, trái to, ăn ngọt và sai quả. Do tính chất dễ trồng, thu hoạch quanh năm, có giá trị kinh tế cao nên mô hình này nhanh chóng được bà con nông dân thay thế cho các loại cây trồng kém hiệu quả.
Gia đình ông Quảng Đại Huynh, người Chăm ở thôn Phước Đồng 2, xã Phước Hậu huyện Ninh Phước tuy mới chỉ đưa 1 sào đất (khoảng 1.000 mét vuông) vào trồng táo cao sản, nhưng sau 1 vụ thu hoạch đã thu lợi nhuận gấp 3 lần trồng chuối.
“Nếu so sánh giữa trồng chuối và trồng táo, hiệu quả từ trồng táo cao gấp 3-4 lần chuối, mỗi sào trồng táo sẽ thu được 31 triệu đồng/vụ”, ông Huynh cho biết.
Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có hơn 1.000 ha trồng táo, tập trung ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam, Ninh Sơn và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Trong đó, riêng huyện Ninh Phước chiếm một nửa diện tích.
Ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đang hướng các hộ trồng nho rượu, măng tây xanh, táo theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để tăng tính thương mại và phát triển bền vững. Trong khi nho rượu, táo, măng tây xanh phát triển ở các vùng đất cát đồng bằng thì ở các huyện miền núi, mô hình lâm nghiệp sinh kế được khuyến khích triển khai.
Theo đó, nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, kĩ thuật cho các hộ nông dân nhận khoán rừng để trồng các loại cây ăn quả như điều, mít, mãng cầu gai, măng cụt, chôm chôm xen canh dưới tán rừng, hạn chế tác động tiêu cực của hạn hán, tăng thu nhập.
Ông Hoàng Văn Thanh, một nông dân diện nhận khoán rừng ở thôn Long Hòa, xã Long Sơn huyện Ninh Sơn cho biết, vụ vừa qua, gia đình thu được 30 triệu đồng từ trồng ngô, 60 triệu đồng từ trồng điều, trong khi ngày trước nếu trồng các loại cây truyền thống đều thất thu.
Ông Trịnh Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, trên cơ sở khả quan của việc tái cơ cấu theo hướng mới, thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh phấn đấu chuyển đổi khoảng trên 8.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nho, măng tây xanh và táo.
“Trong 2 năm qua, ngành nông nghiệp đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng 2.000 ha ở những vùng thiếu nước. Từ những cây trồng cần nước như lúa nước chuyển qua trồng các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao hơn, tiết kiệm nước hơn gắn với doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm. Hàng năm, trong từng niên, ngành đều rà soát, tuyên truyền cho người dân chuyển đổi thành những vùng sản xuất cây trồng có hiệu quả.
Hướng đi hợp lý trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận là giải pháp chính để vừa ứng phó với hạn hán vừa tăng thu nhập cho bà con. Khó khăn lớn nhất cho hướng làm ăn mới này chính là vốn đầu tư và đầu ra của sản phẩm nông nghiệp.
Chỉ riêng tiền mua giống đầu tư cho 1 ha măng tây xanh đã là trên 240 triệu đồng, 1 ha táo cũng hơn trăm triệu, chưa kể phân bón, nhân công chăm sóc đang là một thách thức lớn với các hộ nông dân. Tiếp đó là việc thu mua sản phẩm của các doanh nghiệp chưa ổn định, nếu phát triển một cách ồ ạt, nguy cơ sản phẩm cây đặc sản bị rớt giá rất dễ xảy ra.
Đây chính là các vấn đề thời sự mà ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận phải có các giải pháp phù hợp để chương trình tái cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả như mong muốn
(Nguồn Tây Đô)