Tập trung gieo cấy, phòng trừ sâu, bệnh hại lúa vụ đông xuân
Cục
Bảo vệ thực vật cảnh báo, trên diện tích lúa vụ đông xuân ở các tỉnh
phía bắc, chuột tiếp tục phát sinh gây hại trên lúa trà sớm đẻ nhánh,
lúa trà muộn mới gieo, hại nặng trên những chân ruộng gần mương máng, gò
bãi. Ngoài ra, thời tiết cũng rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát
sinh; ốc bươu vàng gây hại nhiều trên mạ, lúa mới cấy.
|
|||
Còn
tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, lúa vụ đông xuân sớm giai đoạn
làm đòng, trỗ chín cần lưu ý rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn cổ
lá, cổ bông, bệnh khô vằn. Trên lúa đông xuân chính vụ giai đoạn đẻ
nhánh, đứng cái: Bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ phát sinh gây hại gia
tăng, hại nặng cục bộ. Tại các tỉnh phía nam, rầy nâu trên đồng phổ biến
tuổi từ 4 đến 5. Hiện nay, điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh đạo
ôn tiếp tục phát sinh, phát triển trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng
trỗ. Ngoài ra cũng cần lưu ý đến các bệnh như lem lép hạt, bạc lá và
chuột gây hại.
* Thời tiết bất thường, một số diện tích lúa ở các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước (Ninh Thuận) xuất hiện sâu đục thân, sâu cuốn lá với mật độ từ 3% đến 5%. Hiện, cơ quan chức năng đang hướng dẫn nông dân phòng trừ, xử lý kịp thời; tăng cường công tác dự báo, thông báo tình hình sâu bệnh để nông dân chủ động xử lý. * Theo kế hoạch, vụ đông xuân năm nay tỉnh Lạng Sơn gieo cấy 15 nghìn ha lúa. Ðể bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ sản xuất, các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch điều tiết nước, lịch thời vụ đến bà con nông dân. Hiện, mực nước ở các hồ chứa thủy lợi đang duy trì ở mức 70% dung tích thiết kế, cơ bản bảo đảm đủ nước tưới cho sản xuất vụ đông xuân này. * Ðến nay, bà con nông dân tỉnh Hải Dương đã đổ ải 60 nghìn ha để gieo cấy vụ đông xuân. Trong đó, 11 địa phương đã hoàn thành đổ ải, sớm hơn mười ngày so kế hoạch. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân tập trung gieo cấy hết diện tích trong khung thời vụ để lúa sinh trưởng, phát triển tốt. * Tại tỉnh An Giang, thống kê từ đầu vụ đến nay có 16.291 ha lúa bị sâu, bệnh gây hại. Trong đó, diện tích nhiễm rầy nâu là 4.565 ha; bệnh đạo ôn 6.109 ha, tập trung tại huyện Châu Phú và Tịnh Biên, với tỷ lệ gây hại từ 1% đến 10%, bệnh cấp 1 đến cấp 5. * Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn còn hơn 2.000 ha lúa chưa được gieo sạ lại do mưa rét và triều cường dâng cao, nước tràn qua nhiều tuyến đê bao nội đồng. Ngành nông nghiệp tỉnh đang chủ động các loại giống lúa, nhất là các loại giống lúa ngắn ngày nhằm bảo đảm gieo cấy hết diện tích vụ đông xuân, đồng thời không để ảnh hưởng đến lịch gieo cấy vụ hè thu. * Hiện, tỉnh Ðồng Nai có hàng chục nghìn ha trồng điều, xoài bị nhiễm bệnh, ra hoa nhưng không đậu trái. Ngoài ra, do mưa trái mùa cho nên toàn bộ diện tích chôm chôm mới ra đọt non, chưa ra bông. Ðối với hồ tiêu, cũng ghi nhận một số diện tích bị chết, nguyên nhân do mưa nhiều, nước ứ đọng dưới gốc. * Liên tiếp nhiều ngày qua, do ảnh hưởng của sóng to và gió lớn, tuyến kè Gành Hào, huyện Ðông Hải (Bạc Liêu) bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của hàng trăm hộ dân. Bên cạnh đó, tại vị trí cầu Rạch Vượt nằm phía bên trong giáp với kè Gành Hào cũng bị sóng đánh làm sập một bên móng cầu, ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông qua đây. Sáng 14-2, UBND tỉnh tổ chức họp bàn để có giải pháp khắc phục gia cố đê kè cửa biển Gành Hào và cửa biển phường Nhà Mát, nhằm tránh thiệt hại đến mức thấp nhất. * Khắc phục sạt lở bờ sông, biển Ðợt triều cường từ ngày 12 đến 14-2 đã làm sạt lở nghiêm trọng một phần đất phía ven biển ở Cồn Nhàn, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri (Bến Tre). Phần đất sạt lở dài hơn 500 m và vào sâu hơn 50 m, có đoạn gần 100 m. Triều cường cũng làm một nhà dân bị hư hỏng hoàn toàn, 500 m đê bao dân sinh và 250m đường dân sinh bị sụt lún. Hiện, địa phương đang khắc phục tình trạng sạt lở nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do triều cường gây ra. * Ngày 14-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 1356/BNN-TCTL gửi UBND thành phố Hà Nội. Theo đó, Bộ thống nhất với đề nghị của UBND thành phố Hà Nội thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu đê bê-tông cốt thép đoạn đê hữu Hồng, từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương. Về phương án thiết kế của UBND thành phố đề nghị cao trình phần đê đất phía hạ lưu đê bê-tông cốt thép ở cao trình +12,4m, Bộ đề nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tính toán, lựa chọn hình thức, kích thước, quy mô, kết cấu của đê bê-tông cốt thép phù hợp theo các quy định, tiêu chuẩn hiện hành, bảo đảm an toàn chống lũ. Ðồng thời, thực hiện các ý kiến của Bộ tại Văn bản số 10309/BNN-TCTL ngày 7-12-2016 và nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý của các đơn vị, hội, chuyên gia... tại cuộc họp trao đổi về phương án thiết kế ngày 13-2-2017. * Tại Nghệ An những ngày qua trời rét, có mưa nhỏ đã ảnh hưởng đến đàn gia súc trên địa bàn. Trước dự báo, tuần tới trời tiếp tục rét đậm, rét hại gây bất lợi cho đàn gia súc, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân không đưa gia súc ra đồng khi nhiệt độ xuống quá thấp, có rét hại; ủ ấm, hạn chế gió lùa vào chuồng nuôi; tăng lượng thức ăn có chất đạm, nước uống có muối khoáng cho gia súc. * Từ tháng 1 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Ðồng Nai đã thanh, kiểm tra, xử lý các cơ sở giết mổ trái phép (giết mổ lậu). Kết quả, cơ quan chức năng phát hiện chín cơ sở giết mổ lợn không qua kiểm dịch, không bảo đảm vệ sinh thú y; ra quyết định xử phạt hành chính hơn 75 triệu đồng. * Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực Biển Ðông đã có gió đông bắc cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8, biển động, sóng biển cao từ 2 đến 3 m. Dự báo, từ hôm nay (15-2) ở các vùng biển này gió giảm dần. Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư cũng cho biết, tại Bắc Bộ xuất hiện sương mù vào sáng sớm, trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, vùng núi cao nhiệt độ dưới 80C. Khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa vài nơi, trong khi đó Nam Bộ không mưa, ngày nắng với nhiệt độ dao động từ 21 đến 320C.
|