Chuyển đến nội dung chính

Bão số 1 tàn phá nông nghiệp các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng nặng nề

Bão số 1 tàn phá nông nghiệp các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng nặng nề


Không gây thiệt hại lớn về người, nhưng bão số 1 đã tàn phá nặng nề SX nông nghiệp các tỉnh vùng ĐBSH, nhất là các vựa cây ăn quả. Trong khi đó, hàng trăm nghìn ha lúa mới cấy đang nguy kịch.


Nhãn rụng như vãi thóc
Năm nay, vựa nhãn lồng Hưng Yên được mùa lớn. Theo bà Đoàn Thị Chải, PGĐ Sở NN-PTNT Hưng Yên, dự tính từ ngày 10/8 tới đây, vùng nhãn sẽ bước vào vụ thu hoạch chính. Tuy nhiên, khi miếng cơm chưa kịp tới miệng người trồng nhãn thì cơn bão số 1 đã cướp trắng của họ. Tại vùng nhãn lồng nổi tiếng xã Thủ Sỹ (huyện Tiên Lữ), nhãn rụng như vãi thóc.
Vùng nhãn Hưng Yên rụng như vãi thóc Ông Đào Văn Cấn ở xã Thủ Sỹ nhìn vườn cây vừa bật gốc, quả vương vãi dưới gốc như mếu cho biết: Nhà tôi trồng hơn một mẫu, năm nay nhãn được mùa nên dự tính sơ sơ tôi thu về khoảng 10 tấn, nhưng bây giờ ước rụng hết 3 tấn rồi. Tôi tính khoảng ngày 1/8 này sẽ cắt ít nhãn sớm bán, nhưng bây giờ rụng hết rồi, tan nát hết rồi. Nhãn non gặp mưa lớn, ít hôm nữa trời nắng lên sẽ còn nứt nẻ hết, chẳng biết có thu được quả nào nữa không. Nhãn rụng 30% như ông Cấn còn may, gia đình ông Nguyễn Văn Kính (70 tuổi) ở cùng xã Thủ Sỹ thì coi như mất hết. Nhìn một sào nhãn, quả rụng đầy gốc, vườn cây xơ xác, ông không kìm được những giọt nước mắt chua chát, mặn đắng.
Vừa lau những giọt nước mắt lăn dài trên gò má cháy sạm, ông nói: “Tôi năm nay trồng được sào, nhưng coi như mất hết rồi chú ạ. Lúc sáng tôi ra nhặt được một ít, về sấy khô, làm long, tính để gỡ gạc ít, nhưng chán quá không muốn nhặt. Nhãn nhà tôi đẹp, ở khu này không ai có giống nhãn đó đâu, năm nay tôi chăm phun, chăm bón, nên quả sai, tính cuối mùa làm long (long nhãn) nhưng trận bão vào coi như hết sạch. Tính sơ qua mất 70%”.
Là một trong những vựa nhãn lồng lớn nhất ở Hưng Yên, xã Hồng Nam (TP Hưng Yên) năm nay coi như mất mùa vì bão.
Ông Nguyễn Thành Đô (xã Hồng Nam) vừa nhìn vườn cây, vừa than trời: Nhãn này gần chục ngày thì bán được rồi, nhãn sớm người ta đặt mua 35 - 40 nghìn/kg không bán, nay bán nhãn rụng thì chỉ được 5 nghìn/kg cũng chẳng ai mua. Nhà tôi trồng gần 2 mẫu, dự tính thu hoạch khoảng 12 tấn, nay mất 7 tấn, trắng tay hẳn rồi.
Cùng với cây nhãn, Hưng Yên là vùng chuối trọng điểm của vùng ĐBSH. Với sức gió mạnh tới cấp 9, cấp 10, cây chuối giống như “mồi ngon” cho bão.




 

Vùng chuối Khoái Châu (Hưng Yên) tan hoang vì bão.
Vùng chuối Khoái Châu (Hưng Yên) tan hoang vì bão.
 
Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Năng Thành, một "đại gia" chuối ở vùng chuối xã Đại Tập (huyện Khoái Châu) cho biết hơn 30ha chuối khoảng 6 - 7 tháng tuổi, chuẩn bị giai đoạn trổ buồng để bán vào cuối năm thì có tới 50% bị gãy gập hoàn toàn, không thể nào khôi phục được.

Lúa mùa nguy cấp
Theo dự báo, bão số 1 khi đổ bộ vào đất liền chỉ mạnh cỡ cấp 8, tuy nhiên, theo ông Đỗ Hải Điền, PGĐ Sở NN-PTNT Nam Định - người trực tiếp chống bão tại các huyện ven biển tỉnh này vào tối ngày 27/7 thì sức gió giật mạnh hơn nhiều, và thiệt hại do cơn bão này tại rốn bão Nam Định cũng ngoài sức tưởng tượng. Ông Điền lo lắng: Khoảng 1.400 cột điện trung thế và hàng nghìn cột hạ thế bị gãy đổ nên tới chiều qua, toàn tỉnh này vẫn đang cắt điện.
Trong khi đó, hiện ước khoảng 74/77 nghìn ha lúa mùa mới cấy đang trắng băng trong nước. Oái oăm là do mất điện nên hiện các trạm bơm bị tê liệt hoàn toàn, trong khi đó mực nước biển và hệ thống sông chính của tỉnh đang cao hơn nội đồng nên không thể tự tiêu thoát, ngoại trừ một số diện tích ở khu vực phía nam của tỉnh. Theo dự kiến, phải tới ngày mai (30/7), công tác khắc phục hệ thống điện lưới mới hoàn thành.


Cây xanh gãy đổ la liệt tại Nam Định.
Cây xanh gãy đổ la liệt tại Nam Định.
 
Ngoài lúa, tại Nam Định ước tính thiệt hại về thủy sản cũng rất nặng nề. Theo thống kê chưa chính thức, ít nhất khoảng ½ trong tổng số trên 8.000ha nuôi thủy sản nước mặn, lợ của tỉnh này bị thiệt hại ở mức độ độ nặng nề, các diện tích nuôi ngao ven biển bị sóng đánh trôi dạt, chưa thể kiểm đếm kiểm đếm. Cũng như Nam Định, khoảng trên 50 nghìn ha lúa mùa mới cấy của tỉnh Thái Bình (chiếm trên 50% tổng diện tích toàn tỉnh) cũng đã bị ngập sâu vì mưa lớn, cơ bản sẽ phải cấy lại.
Hơn 8.000ha cây màu hè thu sắp đến kỳ thu hoạch của tỉnh này bị mất trắng; 7.500ha cây ăn quả bao gồm chuối, dưa, nhãn bị hỏng nặng; hơn 6.500ha thủy sản nước lợ, nước mặn cũng bị thiệt hại nghiêm trọng; hơn 3.000ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt bị thiệt hại nặng nề; gần 100 lồng bè nuôi cá của bà con ngư dân bị trôi dạt và thiệt hại.
Tại Hải Phòng, bão số 1 cũng làm ngập úng 8.200ha lúa mới cấy; 400ha hoa màu bị dập nát… Tại Ninh Bình, theo BCH Phòng chống thiên tai & Tìm hiếm cứu nạn, tính đến chiều 28/7, toàn tỉnh có hơn 34.000ha lúa mùa mới cấy bị ngập trắng, hàng nghìn ha hoa màu bị hư hại.
Cùng với đó là hàng nghìn nhà dân bị tốc mái, chưa kể đến hệ thống lưới điện trung áp 22KV và 10KV bị hư hỏng gây mất điện cục bộ trên nhiều khu vực. Trao đổi với PV NNVN, ông Trần Văn Hà, PGĐ Sở NN-PTNT Ninh Bình cho biết, trưa 28/7, lãnh đạo tỉnh này đã có cuộc họp khẩn với các cơ quan liên quan về công tác khắc phục hậu quả bão số 1.
Do lượng mưa quá lớn, diễn ra cục bộ, hơn 34.000ha lúa màu mới cấy tại tỉnh này đã bị ngập trắng. Hàng nghìn ha hoa màu bị hư hại. Rất may, không có thiệt hại về người. Theo ông Hà, việc ưu tiên số 1 hiện nay là tiêu úng cho diện tích lúa mùa.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu ngành điện lực Ninh Bình khẩn trương khắc phục lưới điện, phục vụ bơm tiêu úng. Các huyện, thành phố và Cty Khai thác công trình thủy lợi triển khai phương án chống úng, dồn sức tối đa cứu diện tích lúa mùa.
Đặc biệt, hai huyện vùng trũng là Nho Quan và Gia Viễn đã được lệnh sẵn sàng triển khai phương án đối phó với lũ trên sông Hoàng Long. Cũng theo ông Hà, qua kiểm tra thực địa, hơn 2.000ha ao, đầm nuôi trồng thủy, hải sản của người dân huyện Kim Sơn vẫn ở mức an toàn.
Tuy nhiên, lượng mưa lớn chắc chắn sẽ gây ra hiện tượng ngọt hóa, mức độ ảnh hưởng tới vật nuôi như thế nào, phải một vài ngày tới mới xác định được. Không chỉ trồng trọt, theo ghi nhận của NNVN, chăn nuôi tại nhiều tỉnh vùng ĐBSH cũng bị thiệt hại nặng nề do bão làm tốc mái, sập đổ chuồng trại.
Tại Hà Nội, mặc dù chỉ chịu ảnh hưởng của bão nhưng hàng nghìn cây xanh cũng đã bị gãy đổ, nhiều trường hợp ô tô bị cây đổ đè bẹp khiến nhiều người bị thương, cùng 10 điểm ngập úng, 2 cột điện đổ gãy và 19 nút đèn giao thông gặp sự cố do mưa bão.
Theo thống kê sơ bộ của Sở NN-PTNT Hưng Yên, tới chiều qua, ước sơ bộ khoảng 1.100ha nhãn của tỉnh đã bị thiệt hại nặng nề, nhất là khu vực TP Hưng Yên tỉ lệ rụng quả trên 50%, các vùng khác rụng từ 30 - 50%. Khoảng 1.000ha chuối đã bị gãy đổ, nhất là vựa chuối huyện Khoái Châu có khoảng 80% chuối tiêu hồng bị gãy, đổ. Trong đó đổ rạp khoảng 50%. Ngoài ra, trên 700ha rau màu bị ngập, nhiều loại cây cảnh, đu đủ cũng tan hoang.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cách trồng và chăm sóc cây lá lốt trong chậu

Cách trồng và chăm sóc cây lá lốt trong chậu Xuất hiện trong nhiều món ăn quen thuộc và có nhiều tác dụng khác nhau nên lá lốt được trồng ở khắp nơi. Người dân chỉ cần chú ý theo một số kỹ thuật trồng cây dưới đây là có thể tự cung cấp rau cho gia đình. Cây lá lốt có tên khoa học là Piper lolot, thuộc họ  hồ tiêu  (Piperaceae) và có  kỹ thuật trồng cây  rất đơn giản. Lá lốt là loại rau quen thuộc và được dùng phổ biến trong các bữa ăn. Lá lốt thường được sử dụng ăn sống như các loại rau thơm hoặc làm rau gia vị khi nấu canh. Ngoài là rau ăn lá, lá lốt còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh, khi dùng có thể dùng tươi, phơi hay sấy khô. Lá lốt có kỹ thuật trồng cây không quá khó Đây là loài cây thảo sống nhiều năm, thân có rãnh dọc. Lá đơn nguyên, mọc so le, hình tim, có màu xanh đậm, mặt lá bóng. Hoa mọc từ nách lá, cụm hoa bông, hoa đực và hoa cái khác gốc. Quả mọng chứa một hạt. Cây thường mọc hoang trong rừng, nơi ẩm ướt dọc các bãi cát ven suối và phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc

Tích cực phòng trừ đạo ôn

Tích cực phòng trừ đạo ôn Dự báo, thời gian tới bệnh đạo ôn hại lá có thể gây hại trên diện rộng. Riêng đối với những diện tích lúa trỗ sớm trong tháng 4, bệnh đạo ôn cổ bông có khả năng phát sinh. (Ánh minh hoạ)   Vụ xuân năm nay, tỉnh Tuyên Quang gieo cấy 20.169 ha lúa, đạt 104,3% kế hoạch. Hiện lúa bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ đến đứng cái làm đòng; tuy nhiên thời tiết diễn biến bất thường, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh gây hại rải rác trên một số giống nhiễm như BC 15, HT 1, Bắc thơm số 7, nếp... với diện tích 7 ha tại các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa, TP Tuyên Quang..., tỷ lệ bệnh nơi cao 3 - 5 % số lá. Dự báo, thời gian tới bệnh đạo ôn hại lá có thể gây hại trên diện rộng. Riêng đối với những diện tích lúa trỗ sớm trong tháng 4, bệnh đạo ôn cổ bông có khả năng phát sinh.   Anh Vũ Đình Tám, Trưởng trạm BVTV huyện Yên Sơn cho biết, trạm đã phân công cán bộ, bám sát cơ sở phối hợp với khuyến nông hướng dẫn bà con thực hiện bón cân đối NPK, không bón quá nhiều ho

Định hướng dài hạn nhằm thu hút vốn FDI vào nông nghiệp

Định hướng dài hạn nhằm thu hút vốn FDI vào nông nghiệp Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Lê Bá Liễu/TTXVN) Là ngành có nhiều tiềm năng và lợi thế, song dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng hạn chế so với nhu cầu thu hút vốn và những kỳ vọng. Trong khi đầu tư nước ngoài của cả nước có xu hướng tăng, thì dòng vốn này vào lĩnh vực nông nghiệp lại quá nhỏ về quy mô dự án và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng đầu tư nước ngoài của cả nước. Điều này đang đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có một chiến lược, định hướng dài hạn để thu hút vốn FDI. FDI trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được đặc biệt coi trọng và được khuyến khích để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển nông nghiệp. Với quyết tâm vực dậy nguồn vốn này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh Bộ sẽ rà soát lại cơ chế chính sách để thực sự khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, từ đó tạo m